Đẩy nhanh chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Ngày 4/8, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và tương đương phối hợp đẩy nhanh chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
lao-dong-2-16484701513952079544778-1659630357.jpg
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ thuê nhà, đặc biệt quy định về mức hỗ trợ, trình tự thủ tục, hồ sơ…

Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2022 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ). Chính sách nhân văn này được ban hành vào lúc cả nước vừa bước qua một năm đầy khó khăn, thử thách với dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, khoảng giữa năm 2021, tại một số tỉnh, thành lớn khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đỉnh điểm, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, đời sống của những NLĐ khó khăn, những người tha phương phải quyết định về quê bởi họ không thể gánh nổi tiền thuê trọ hằng tháng. Chính vì thế, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà góp phần thu hút NLĐ quay lại làm việc, chia sẻ gánh nặng với NLĐ.

Tuy nhiên, tiến độ hỗ trợ tại nhiều địa phương còn rất chậm. Tính đến ngày 2/8, cả nước vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân đồng nào trong gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đó là các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Bạc Liêu. Mặc dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách từ gói 6.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 2-8, các địa phương mới phê duyệt cho 17.356 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động, tương đương 1/3 tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Do đó, ngày 4-8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ thuê nhà, đặc biệt quy định về mức hỗ trợ, trình tự thủ tục, hồ sơ…

Các cấp công đoàn chủ động đề xuất, kiến nghị và phối hợp với chủ doanh nghiệp triển khai việc lập danh sách, các biểu mẫu đăng ký thủ tục thực hiện hỗ trợ. Đồng thời, công đoàn cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động, nhưng thực tế 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào. Nguyên nhân do có cấp ủy, chính quyền địa phương còn thờ ơ dẫn tới việc giải ngân rất chậm.

Nhiều địa phương "khoán trắng" cho cấp dưới, khoán cho doanh nghiệp, khoán cho người lao động trong khi một số địa phương khác lại buộc bổ sung thêm giấy tờ không có trong quy định như đòi hỏi hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng…

Ông khẳng định việc buộc bổ sung thêm giấy tờ như hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng… không đúng quy định của quyết định 08.

Hiện tại, còn có rất nhiều NLĐ vẫn đang mong mỏi được hỗ trợ. Chỉ còn 11 ngày nữa là hết thời hạn cho doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị chi hỗ trợ cho NLĐ (đến ngày 15-8 là hết hạn nộp hồ sơ). Mong rằng các doanh nghiệp, chính quyền cấp huyện sẽ quyết liệt hơn để tiền sớm đến tay NLĐ, phát huy ý nghĩa của chính sách nhân văn. Bởi nguyên tắc đầu tiên trong việc hỗ trợ đã được nêu rõ trong Quyết định 08/2022 là phải “bảo đảm hỗ trợ kịp thời”.

Mai Phương