Đầu năm học, lại “hóc” chuyện “lạm thu”

Tạp Chí Nhân Đạo
Không khác nhiều mọi năm, mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ cấp địa phương tới cấp Trung ương, nhưng câu chuyện lạm thu đầu năm học vẫn tiếp diễn. Điều nguy hiểm là chính những người dạy chữ, dạy học trò làm người lại không “nhận ra” rằng việc đặt ra các khoản thu vô lý như vậy là lạm thu.
dau-nam-hoc-lai-hoc-chuyen-lam-thu
Tờ giấy kê các khoản phải đóng của Trường THCS Minh Tân được lưu truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Học thêm nhóm cũng mất tiền?

Ngay sau ngày khai giảng, “cư dân mạng xã hội” đã dậy sóng vì một bức ảnh chụp các khoản thu đầu năm học của Trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Nhìn vào phía cuối bản kê các khoản phải thu của cha mẹ học sinh lên tới 9.188.000 đồng cho mỗi học sinh, không ai không khỏi giật mình.

Nhìn vào chi tiết các khoản thu, người ta thấy 2 khoản kinh khủng nhất đều là học thêm: Học thêm bình thường hết 3.072.000đ/học sinh, học thêm nhóm hết 1.600.000đ/học sinh. Thu tiền học thêm của học sinh bằng cách “ấn” vào bản kê các khoản thu của học sinh dường như là một cách ép buộc cha mẹ học sinh “phải tự nguyện” đồng ý đóng tiền cho con học thêm. Ấy là chưa kể, học thêm nhóm nếu có giáo viên giảng dạy, hướng dẫn thì vẫn là học thêm bình thường, còn nếu không có giáo viên giảng dạy, hướng dẫn, chỉ có học sinh học nhóm với nhau thì đó là khoản thu hết sức phi lý.

Ngoài ra, trong bản kê còn có không ít khoản thu vô lý khác, như Quỹ hội Khuyến học lên tới 300.000đ/học sinh. Trong khi học sinh là đối tượng cần khuyến học, chưa làm ra tiền, lại bị buộc phải đóng một khoản tiền lớn cho quỹ khuyến khích chính mình học tập (khuyến khích bạn nghèo học tập, học sinh đã phải đóng 45.000đ tiền quỹ đồng hành cùng bạn đến trường). Dạy kỹ năng sống cho học sinh là nội dung lồng ghép trong các môn học nhưng cũng được “chưng” ra để thu 300.000đ/học sinh. Dù đã có quỹ báo đội, tiền nước uống…, nhưng mỗi học sinh vẫn phải đóng quỹ lớp lên tới 500.000đ.

Nhìn sơ qua bản kê các khoản phải đóng, ai cũng phải giật mình vì mức độ lạm thu một cách quá đáng ở một vùng quê như vậy.

Điều đáng nói là vị hiệu trưởng trường này lại “hồn nhiên” nghĩ rằng như vậy không phải là lạm thu. Rất may là lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên đã khẳng định với báo giới là chắc chắn sẽ có hình thức kỷ luật nghiêm với hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân Nguyễn Hữu Đạt khi phát hiện có tình trạng lạm thu ở trường này, đồng thời hứa có giải pháp để phòng, chống lạm thu trong các trường học ngay trong năm học này.

Ngăn chặn “biến tướng” lạm thu

Chuyện ở Trường THCS Minh Tân thực ra không còn là “hiện tượng”, mà đáng buồn là mức độ phổ biến khá cao ở rất nhiều trường học trên cả nước. Những khoản thu “đội lốt” cha mẹ học sinh “tự nguyện” dưới rất nhiều tên gọi khác nhau, như tiền lắp điều hòa, tiền “hỗ trợ tự nguyện”, tiền máy chiếu, tiền học thêm, các loại quỹ… dẫn tới tổng số tiền cha mẹ học sinh phải nộp gấp hàng chục lần so với mức học phí theo quy định của Nhà nước.

Ở những trường này, nếu cộng tất cả các khoản phải đóng góp của cha mẹ học sinh, tổng số tiền cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, với tâm lý lo sợ con em mình bị thầy cô trù dập, tuyệt đại đa số phụ huynh học sinh đều “ngậm bồ hòn làm ngọt”, buộc phải “tự nguyện” đồng ý đóng góp tất cả các khoản thu ấy.

Để chặn đứng tình trạng lạm thu, điều quan trọng nhất là ngành giáo dục cần loại bỏ toàn bộ các khoản “tự nguyện” đóng góp bằng cách biểu quyết hoặc bỏ phiếu. Các khoản “tự nguyện” này phải để phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh và phải trên tinh thần tự nguyện thật sự. Nghiêm cấm tổ chức học thêm theo “phong trào”, chỉ tổ chức học thêm theo nhu cầu của học sinh.

Điều quan trọng nhất là cần áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là cách chức, cấm đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng trong một thời gian nhất định đối với những vị hiệu trưởng để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường, cấm làm hiệu trưởng vĩnh viễn nếu tái phạm...

Không thể để những kẻ biến chất tồn tại trong hệ thống những “chiếc nôi” đào tạo nhân cách thế hệ tương lai của đất nước như vậy. Đã đến lúc, ngành Giáo dục và Đào tạo cần mạnh tay thanh lọc, làm sạch chính hệ thống của mình, tránh để “ra lò” những thế hệ học sinh có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống…

Lã Hằng