Việt Nam đóng góp tích cực, hiệu quả thúc đẩy quyền con người
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hạ tuần tháng 10-2022 nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này và ngay sau khi Việt Nam được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 đã bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Bởi, theo người đứng đầu Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.
Đánh giá cao về vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong công việc chung toàn cầu của Tổng thư ký Antonio Guterres cũng là sự nhìn nhận của các thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc khi lần thứ hai tín nhiệm bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu rất cao vào ngày 11-12-2022. Gần 10 năm trước, Việt Nam vào năm 2013 đã lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới.
Sự tín nhiệm của các thành viên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế với Việt Nam trước hết từ chính những thành tựu về bảo đảm quyền con người cũng như đóng góp tích cực của nước ta trong nhiều năm qua. Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm các vấn đề về nhân quyền. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, bảo đảm tất cả người dân được hưởng các quyền con người, đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật, đồng thời được cụ thể hóa trong các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) về phát triển con người toàn cầu 2021-2022, ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thực hiện tốt việc bảo đảm quyền con người, chỉ số phát triển quyền con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu năm 2021. Bà Caithlin Wiesen, nguyên Trưởng đại diện UNDP tại Viêt Nam, khẳng định: “Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện những cam kết của chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của Liên hợp quốc. Tôi nghĩ điều này đã được chú trọng ở mọi khía cạnh và thể hiện trong những chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội”.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, sự minh bạch và nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế UPR, tỷ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ, chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và mở rộng.
Trao đổi với báo chí sau khi Việt Nam lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink nhấn mạnh: “Chúng tôi chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Chúng tôi hy vọng và trông đợi với tư cách là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi trông đợi Việt Nam sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ về vấn đề nhân quyền như đã cam kết. Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ là đối tác với Mỹ trong giải quyết một số thách thức, các vi phạm nhân quyền trên thế giới”.
Biến cam kết thành hành động thúc đẩy quyền con người
Có thể khẳng định, việc lần thứ hai được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam ghi dấu ấn đối ngoại quan trọng, khẳng định nỗ lực và trách nhiệm trên hành trình cùng cộng đồng quốc tế bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Với nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam khởi đầu chặng đường mới ngay đầu năm mới 2023 này, tiếp tục thể hiện vai trò và đóng góp tích cực tại diễn đàn Liên hợp quốc, xứng với niềm tin và mong đợi của cộng đồng quốc tế.
Chia sẻ về những định hướng và ưu tiên lớn của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sắp tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nước ta cam kết, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.
Năm 2023 đánh dấu tròn 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2022 đã nhấn mạnh: “Quyền con người là trọng tâm của việc giải phóng những gì tốt đẹp nhất trong xã hội của chúng ta. Giúp xây dựng tình đoàn kết. Giúp thúc đẩy hòa nhập, bình đẳng và tăng trưởng. Giúp bảo lãnh tự do. Và đảm bảo sự ổn định lâu dài”. Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng, việc duy trì quyền con người ở mọi khía cạnh vẫn là yếu tố rất quan trọng để viết chương tiếp theo của câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho rằng, khi Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, điều quan trọng là biến những cam kết này thành hành động cụ thể, và đưa ra bằng chứng mạnh mẽ hơn nữa về việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Bà Pauline Tamesis cũng khẳng định, Liên hợp quốc với vị trí là một đối tác đáng tự hào và lâu dài của Việt Nam trong hơn 45 năm qua, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và các lực lượng trong xã hội, để đảm bảo quyền con người là trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.
Theo An ninh thủ đô