Cao nhất 25 nguyện vọng
Tại TP Hà Nội, Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) có học sinh đăng ký tới 25 nguyện vọng. Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cũng có học sinh đăng ký 17 nguyện vọng.
Tại TP.HCM, Trường THPT Marie Curie thí sinh đăng ký nhiều nhất 20 nguyện vọng, còn lại đa số đăng ký 7 - 8 nguyện vọng. Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, thí sinh đăng ký nhiều nhất 10 nguyện vọng, còn lại đa số đăng ký 3 - 4 nguyện vọng.
Một học sinh Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) đăng ký 17 nguyện vọng cho biết: "Em chủ yếu đăng ký vào ngành luật và khối ngành kinh tế. Tuy nhiều nguyện vọng, nhưng việc lựa chọn ngành học vẫn tập trung".
Đăng ký cả hai tổ hợp
Đến nay, tỷ lệ học sinh thi THPT Quốc gia năm 2018 của trường THPT Sóc Sơn đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội chiếm tỷ lệ bằng nhau (50/50).
Mặc dù nhà trường đã tư vấn cho học sinh nếu chọn lựa cả 2 bài thi tổ hợp thì việc ôn luyện rất vất vả và có thể gặp rủi ro khi không đủ sức ôn tập mà bỏ 1 trong 2 bài thì có thể không được tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có khoảng 30/520 học sinh của trường (chiếm tỷ lệ 6%) chọn thi cả 2 bài thi tổ hợp.
Đăng ký nhiều dễ sai lầm?
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, đăng ký nhiều NV không đồng nghĩa với việc tăng khả năng trúng tuyển. Kinh nghiệm cho thấy đăng ký quá nhiều, theo phong trào, trong khi chưa tìm hiểu các thông tin về trường, điểm chuẩn các năm, cơ hội việc làm… sẽ dễ lựa chọn sai lầm hoặc gây lãng phí. Học sinh phải biết lựa chọn đâu là ngành mong muốn nhất để đặt NV1, vì nếu đã trúng tuyển một NV trong danh sách đã đăng ký, thí sinh sẽ không được phép xét tuyển ở các NV khác.