Đà Nẵng: Khan hiếm nhà ở xã hội cho công nhân

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Tại phiên thảo luận của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.Đà Nẵngngày 13/7, các đại biểu nêu thực tế mỗi năm thành phố có hơn 1.000 đơn xin thuê, mua nhà ở xã hội nhưng thành phố không thể đáp ứng được. 

4-1-1657851627.jpg

Đà Nẵng khan hiếm nhà ở, chung cư xã hội cho công nhân. Ảnh: TT

Hộ nghèo còn đợi, người lao động chưa thể tiếp cận

Đại biểu Nguyễn Thành Tiến cho biết, kể từ năm 2020, quỹ đầu tư nhà ở xã hội của thành phố còn rất hạn chế. Hiện có khoảng 65 căn nhà nhưng ưu tiên bố trí cho đối tượng người có công cách mạng. Trong khi đó, qua tiếp xúc cử tri, nhu cầu xin thuê, mua chung cư, nhà ở xã hội là rất lớn, nhất là hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

“Theo báo cáo từ các quận huyện, đến nay có khoảng 300 trường hợp hộ nghèo, đặc biệt khó khăn về chỗ ở cần thuê nhà chung cư.

Ngoài ra, hàng năm có trên 1.000 đơn thư thuê nhà, chung cư xã hội nhưng chưa được đáp ứng” - ông Tiến cho biết.

Phản ánh về vấn đề này, đại biểu Lê Thị Hồng Minh, quận Sơn Trà cũng cho biết, Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và cụm khu công nghiệp, trong đó có 27.000 lao động ngoại tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay toàn thành phố có chưa tới 2.000 căn nhà ở xã hội dành cho cho công nhân lao động tập trung cho 2 khu công nghiệp là Hoà Khánh và Hoà Cầm. Những khu vực khác chỉ mới có kế hoạch. Như vậy chỉ có hơn 7% người lao động tiếp cận được với chính sách nhà ở của thành phố.

Vấn đề nữa là với những nơi có nhà ở cho công nhân lao động thì còn thiết chế về nhà trẻ, trường học, nơi khám chữa bệnh gây nhiều bất tiện.

“Riêng quận Sơn Trà có khu công nghiệp Thuỷ sản và An Dồn, có chủ trương di dời nhưng hiện nay có trên 12.000 lao động với 60% là lao động ngoại tỉnh chủ yếu đang ở trọ tại những khu vực tự phát, do người dân tự xây dựng cho thuê. Nhiều nơi lụp xụp, nguy cơ phòng chống cháy nổ, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Sau dịch bệnh, cuộc sống bấp bênh khiến người lao động bỏ về quê làm đứt gãy chuỗi sản xuất, khiến doanh nghiệp thiếu hụt nhân công trong quá trình phục hồi sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế thành phố” - bà Minh phản ánh.

Trước đó, ông Ngô Xuân Thắng - Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Đà Nẵng cũng nêu thực tế, hiện nay công nhân lao động trong các khu công nghiệp đang rất khó khăn, bức xúc về vấn đề nhà ở, rất cần sự hỗ trợ của các cấp để duy trì việc làm.

Khuyến khích người dân mua để thu hồi vốn tái đầu tư

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thành Tiến đề xuất, đối với nhà ở hiện có, với số lượng 10.579 căn nhà ở do nhà nước quản lý, đề nghị thành phố cần nghiên cứu lộ trình giải quyết bán nhà cho các hộ đang thuê, đang ở nhằm thu hồi ngân sách tái đầu tư nhà ở xã hội hoặc giải quyết các thủ tục để các đối tượng này được mua, hoặc thuê nhà ở xã hội tại các chung cư nhà ở xã hội có vốn tư nhân sắp hoàn thành trong năm tới. Dự kiến, có khoảng 1.200 căn trong năm 2023.

Thứ 2, thành phố cần có cơ chế chính sách để nhà đầu tư quan tâm tái thiết, tái đầu tư, sữa chữa các nhà hiện có theo hướng nâng tầng, nâng hệ số sử dụng đất và hiện đại hoá nhà ở xã hội. Thứ 3, có cơ chế quy định về thời gian, thời hạn thuê nhà không quá 5 năm nhằm hạn chế chiếm hữu nhà ở xã hội quá lâu.

Đối với kế hoạch phát triển nhà ở xây mới thì rà soát thống kê các trường hợp hộ nghèo, đặc biệt khó khăn về chỗ ở để xem xét đầu tư nhà ở xã hội từ ngân sách thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ về các dự án nhà ở xã hội có vốn ngân sách trên cơ sở 4 dự án hiện có, đang triển khai, dự kiến là 2.500 căn hộ được đưa vào sử dụng năm 2023, 2024; rà soát và điều chỉnh chương trình phát triển nhà ở xã hội 2021-2025 theo hướng xác định quan điểm xã hội hoá trong đầu tư, hạn chế đầu tư công về nhà ở xã hội; cần tính ưu tiên, bố trí một tỉ trọng đáng kể trong giải đoạn tới.

Giải trình về vấn đề này, ông Phùng Phú Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho biết, hiện nay, quỹ nhà ở xã hội của thành phố còn khoảng 120 căn, ưu tiên bố trí cho thuê với đối tượng là người có công cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan, đơn vị hưởng lương ngân sách thành phố.

Trước thực tế như các đại biểu phản ánh, lãnh đạo thành phố đã giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án bố trí thuê cho các đối tượng hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, Sở cũng đưa ra những giải pháp như tập trung đầu tư hoàn chỉnh 4 dự án liên quan đến nguồn vốn nhà nước, trong đó có 2.691 căn hộ và tập trung thực hiện công tác đầu tư, sớm thi công chung cư cho người có công cách mạng với 209 căn và nhà ở xã hội tại quận Liên Chiểu.

Thành phố cũng đã có báo cáo Thủ tướng, xin chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá phía Tây thành phố, triển khai đề án thí điểm bán nhà ở xã hội sở hữu nhà nước bố trí cho thuê, dự kiến trong 2023. Đây là hướng để tháo gỡ, thu hồi tiền để tái đầu tư” - ông Phong cho hay.