Ngày 13/12, luật sư bào chữa cho ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết trước khi TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử, thân chủ của ông đã kêu gọi chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra đầu thú, có giải trình với tòa án để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
"Ông Thành cho rằng không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, việc xét xử sẽ tốt hơn nếu bà Nhàn có mặt trình bày tại tòa án" - luật sư bị cáo Thành nói.
Theo luật sư, làm việc với cơ quan tố tụng, cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành cho biết ông trưởng thành trong gia đình truyền thống cách mạng; bản thân cũng đã gần 50 năm tuổi Đảng, song vì sự sơ suất, bất cẩn mắc phải lỗi lầm với trung ương, với nhân dân và gia đình. "Một đời công tác và cống hiến mà cuối đời phải đứng trước vành móng ngựa là sự trả giá quá đắt cho sai sót của mình. Tôi rất thấm và ân hận. Tôi mong các đồng chí còn công tác không mắc sai lầm như thế này. Tôi mong tòa án xét xử thấu đáo, toàn diện mà cho tôi hưởng chính sách khoan hồng" - ông Thành bày tỏ.
Theo luật sư, ông Thành tuổi đã cao, sức khỏe kém, bệnh nền rất nhiều trong khi phiên tòa dự kiến diễn ra 20 ngày. Do đó, cựu bí thư Đồng Nai mong được tòa án tạo điều kiện y tế để đủ sức khỏe tham dự.
Dự kiến, ngày 21/12/2022 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Nhận hối lộ"; "Đưa hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).
Ông Trần Đình Thành (trái) và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Ảnh: báo Tiền Phong |
Theo cáo trạng, năm 2003, với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC, bà Nhàn thiết lập quan hệ với cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu chủ tịch tỉnh này Đinh Quốc Thái. Mục đích để AIC được chỉ định tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.
Quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Sau đó, Công ty AIC điều chỉnh các thông tin trên báo cáo tài chính giai đoạn 2010-2013), tăng hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính thực tế để đưa vào hồ sơ dự thầu. Mục đích đảm bảo cho AIC đủ năng lực tham gia đấu thầu theo quy định.
Ngoài ra, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới mua hồ sơ mời thầu lẫn hồ sơ dự thầu cho công ty "quân đỏ" và "quân xanh", nhờ nhân viên các công ty nộp hồ sơ cho đủ số lượng theo quy định.
Quá trình tham gia đấu thầu rồi trúng thầu, bà Nhàn lập Ban thư ký tài chính để quản lý các khoản chi đối ngoại. Nguồn tiền của hoạt động này do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị, hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao. Sau đó, các đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển tiền lại cho Công ty AIC để nhập vào quỹ của Ban thư ký tài chính.
Sau đó, bà Nhàn đã trực tiếp đưa hối lộ và chỉ đạo Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái mỗi người 14,5 tỷ đồng; đưa cho ông Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) 14,8 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Nhàn cũng bị cáo buộc đưa hối lộ cho cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Bồ Ngọc Thu 1 tỷ đồng.
Hạnh (T/h)