Đảng ta hiện nay luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Thể hiện qua việc Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 35 – NQ/TW, ngày 22/10/2018, về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã ghi rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, sự ra đời của Nghị quyết số 35 – NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị công tác bảo vệ tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Nhưng các thế lực thù địch vẫn không thôi từ bỏ việc chống phá các nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng luôn tìm mọi cách, mọi sơ hở tạo ra các luận điểm sai trái để tác động lên tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian tới, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thách thức vì thời đại hiện nay là thời đại 4.0 mạng internet, mạng xã hội toàn cầu đã phổ biến khắp mọi nơi, mọi người dân ai cũng có thể truy cập rất dễ dàng lợi dụng tình hình đó các thế lực thù địch, phần tử xấu, thế lực phản động luôn ra sức tuyên truyền, chống phá quyết liệt, để thúc đẩy sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những vấn đề mới nảy sinh, những diễn biến phức tạp của những mâu thuẫn xã hội,.. Trước những khó khăn thách thức đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thương xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Để bảo vệ, phát triển và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh các quan điểm sai trái thù địch, cần quan tâm thực hiện một số việc sau đây:
Một là, luôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đảng viên về cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Được coi là giải pháp cơ bản, nhưng cũng là một yêu cầu về nhận thức rõ trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực chất đây cũng là một cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân với tư tưởng tư sản, giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản và các thế lực thù địch, phản động. Đó là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ những thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã đổ bao xương máu mới có được. Muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này thì Đảng phải trong sạch, vững mạnh, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa; mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu để làm gương cho nhân dân.
Trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị cần nhận thức đúng mối quan hệ giữa “bảo vệ” và “đấu tranh” về phương châm “xây” và “chống” trong công tác tư tưởng của Đảng, trong đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề quan trọng hàng đầu, được đặt lên trước; còn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cơ bản, quyết liệt, hiệu quả, và suy cho cùng đây cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được tốt hơn.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề cốt lõi, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tạo ra một thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân qua đó có thể tự tạo ra một sức đề kháng tốt, phân biệt được đúng – sai để có hành động có ích cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Ngoài việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì cũng phải đẩy mạnh đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hoạt động đấu tranh là một hoạt động tất yếu và cấp bách với mục đích đưa ra những căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn vững chắc để vạch trần bản chất phản khoa học, phản cách mạng, phi thực tế của các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân vào hệ tư tưởng của Đảng, vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm phải kiên trì và có bản lĩnh vững vàng, phải có dũng khí và nghệ thuật đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư tưởng.
Hai là, tăng cường gắn kết hơn nữa giữa việc thực hiện Nghị quyết 35 với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật An ninh mạng; các quy tắc ứng xử trên môi trường mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về quyền thông tin, phạm vi thông tin khi tham gia các mạng xã hội. Phối hợp với các nhà mạng để ngăn chặn các trang mạng “độc hại” chống phá chính quyền, chống phá sự lãnh đạo của Đảng. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.
Bốn là, cấp ủy người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên để biện pháp giải quyết kịp thời. Tỉnh táo trước những đối tượng lợi dụng các quyền như khiếu nại, tố cáo để gây ảnh hưởng xấu đến nội bộ cơ quan, tổ chức. Đồng thời chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá các thế lực phản động, thù địch, phần tử hận thù, bất mãn, cơ hội chính trị, kém hiểu biết để đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn của chúng. Cảnh giác, phát hiện, đấu tranh sớm với những vụ việc, sự kiện nhảy cảm có thể trở thành điểm nóng ở ngoài thực tế và kể cả trên mạng xã hội.
Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng lực lượng đội ngũ các bộ nòng cốt, chuyên trách đủ mạnh, có trình độ chuyên sâu, am hiểu sâu sắc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, am hiểu tình hình thực tiễn của đất nước, của thế giới, có bản lĩnh, có dũng khí để đối diện và đấu tranh với những kẻ thù được tổ chức, được trang bị vũ khí lý luận và tư tưởng, khoa học công nghệ phương tiện hiện đại, có âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Qua thực tiễn đấu tranh xuyên suốt những năm qua có thể thấy Đảng ta luôn kiên trì, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Mỗi đơn vị, cơ quan, cán bộ, mỗi đảng viên và nhân dân khi tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn phải kiên trì, kiên định và kiên quyết lập trường tư tưởng vững vàng về bản lĩnh chính trị, đồng sức, đồng lòng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.