Cuộc đua vào lớp 10 ở Sài Gòn loại hơn 13.000 thí sinh

Tạp Chí Nhân Đạo
Chỉ còn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại TP.HCM chính thức bắt đầu và sẽ loại trực tiếp hơn 13.000 thí sinh.

Kỳ thi tuyển sinh tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày 2 và 3/6. Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm nay, toàn TP có 95.164 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS. Trong đó, tổng số thí sinh dự thi lớp 10 là 80.326. Thành phố có 135 điểm thi, trong đó có 126 điểm thi lớp 10 thường và 9 điểm thi lớp 10 chuyên, với tổng số 3.417 phòng thi.

Không để đề thi qua đêm tại điểm thi

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, thông tin năm nay, sở huy động 10.251 giám thị tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và 675 ban lãnh đạo điểm thi.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, trước hôm thi 2 ngày, hiệu trưởng trường phổ thông ủy nhiệm cho cán bộ, giáo viên đại diện trường mang toàn bộ hồ sơ của thí sinh đến các điểm thi để phục vụ yêu cầu kiểm tra. Trưởng điểm thi kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự tuyển và các hồ sơ có liên quan kỳ thi, xem xét điều kiện dự tuyển của thí sinh. Nếu phát hiện thí sinh không đủ hồ sơ hợp lệ, trưởng điểm thi, sau khi cân nhắc cẩn thận, có thể quyết định xóa tên không cho dự thi.

Việc quy hoạch cụm trường thi phải lưu ý khi ghép HS nhiều trường vào cùng một điểm thi, không để tỷ lệ HS của một trường nào đó quá nhỏ. Các điểm thi phải bố trí bàn hoặc ghế, giá đỡ, tủ… bên ngoài mỗi phòng thi cho thí sinh để tài liệu, vật dụng.

Mỗi phòng thi được bố trí 24 chỗ ngồi cho thí sinh, cần chú ý khoảng cách bàn ghế, chỗ ngồi đủ chuẩn về vệ sinh, ánh sáng; xem xét kỹ, có biện pháp phòng chống, phát hiện việc liên thông trong và ngoài phạm vi quy định tổ chức thi.

thi_lop_10
Kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi trong kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.

Đề phòng sự cố thiếu đề thi, sở lưu ý các điểm thi cần chuẩn bị sẵn máy photocopy, giấy trắng A3, A4 để trong văn phòng điểm thi. Trường hợp thí sinh đến phòng thi muộn nhưng chưa có hiệu lệnh tính giờ làm bài, cán bộ coi thi lập biên bản và cho thí sinh dự thi. Tất cả trường hợp đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, sẽ không được dự thi.

Sở sẽ tổ chức đưa đề thi đến phòng GD&ĐT quận, huyện trước hôm thi một ngày. Các quận, huyện chịu trách nhiệm bảo quản và tổ chức đưa đề thi đến các điểm thi. Mỗi sáng sớm giao các thùng đựng đề thi dùng cho ngày hôm ấy, không được để đề thi chưa sử dụng qua đêm tại điểm thi.

Đề thi đổi mới, lưu ý cách làm bài

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, mặc dù cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi, nội dung vẫn ra theo hướng đổi mới với những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của thí sinh vào thực tiễn.

Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT TP.HCM, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay không thay đổi về cấu trúc, song khi làm bài, thí sinh vẫn phải lưu ý những vấn đề dưới đây:

Phần đọc hiểu (3 điểm) - đây là phần các văn bản được chọn có thể là văn bản nhật dụng, văn bản nghị luận xã hội, văn bản thường thức đời sống, văn bản khoa học...

Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu hỏi đọc hiểu, có một câu hỏi về tiếng Việt.

Phần nghị luận xã hội (3 điểm) - đây là phần viết bài văn ngắn khoảng một trang giấy thi, thí sinh cần bảo đảm cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là thao tác giải thích, chứng minh, bình luận.

Riêng ở phần nghị luận văn học (4 điểm), HS có 2 lựa chọn, đề một sẽ là cách hỏi quen thuộc (phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình), từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…).

Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Thí sinh nên căn cứ việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm, tránh việc chọn đề theo cảm hứng ngẫu nhiên. Để làm tốt câu nghị luận văn học, cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học; vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này; tránh diễn xuôi, nhắc lại nội dung tác phẩm một cách máy móc.

Riêng ở môn Toán, ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên Toán Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết số lượng các câu hỏi yêu cầu vận dụng thực tiễn vẫn giữ với các mức độ nhận biết như mọi năm. Nhưng, phần ứng dụng thực tiễn có phần khối tròn nằm ở chương 4 của chương trình lớp 9. Trong khi đó, ở môn Toán và tiếng Anh, theo Sở GD&ĐT TP.HCM, vẫn giữ nguyên cấu trúc đề thi như năm trước, trong đề thi vẫn có những câu hỏi yêu cầu HS sử dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn.

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động