Gần 5 thập kỷ qua, người dân dọc tuyến quốc lộ 5 thuộc thôn Dưỡng Thái Trung, xã Phúc Thành (tỉnh Hải Dương) đã quá quen thuộc với hình ảnh bà Đào Thị Liên (75 tuổi) hễ thấy tai nạn là chạy ra xem có ai thương tích hay không. Nếu có, bà Liên cùng chồng đưa họ vào nhà để xử lý vết thương, cấp cứu kịp thời.
Bà Liên cho biết số người được bà cứu đến nay là gần 900 người, được bà ghi chép đầy đủ họ tên trong một cuốn sổ.
"2 năm trở lại đây, con số ít dần đi, chỉ còn một, hai tờ. Trước đây số trang lên đến cả chục. Đây là điều khiến tôi vui nhất, nói vui là thất nghiệp nhưng lòng nhẹ nhõm, vì như vậy chứng tỏ ít đau thương xảy ra", bà chia sẻ.
Bà Liên từng là y sĩ của khoa Ngoại – sản, Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành (nay là Trung tâm y tế huyện). Chia sẻ về cơ duyên lập chốt cứu hộ, bà Liên cho biết năm 1973 khi được phân đất, xây nhà cạnh quốc lộ 5, bà chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông.
"Nhiều người không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời khiến tôi nảy sinh ý tưởng lập trạm cứu hộ", bà Liên nói.
Năm 1978, bà quyết định lập chốt cứu hộ, dành riêng một phòng nhỏ trong ngôi nhà bé mới dựng dọc đường quốc lộ. Quyết định này được chồng bà ủng hộ. Nhưng người ngoài thì đàm tiếu không ít.
"Có người nói tôi trục lợi, kiếm thêm thu nhập, còn có người bảo tôi lo chuyện bao đồng. Tôi cũng không mấy quan tâm để chuyên tâm cứu người", bà kể.
Hàng tháng, bà trích một ít tiền lương để mua dụng cụ y tế. Từ đó, mỗi lần thấy người bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện, bà Liên đều chạy ra giúp.
Trong số gần 900 trường hợp được bà Liên cứu, có người nhẹ thì bà giúp lau rửa, băng bó vết thương, nặng lại hỗ trợ sơ cứu rồi chuyển vào bệnh viện huyện. Bà Liên nhớ trường hợp hai mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy và cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh khi ngang qua đoạn quốc lộ này không may va chạm mạnh với ô tô. Hai mẹ con bị chấn thương sọ não.
"Nghe thấy người dân hô hoán, tôi liền chạy ra sơ cứu sau đó nhờ người đưa 2 mẹ con vào bệnh viện huyện. Hai mẹ con được bác sĩ yêu cầu phẫu thuật gấp, may sao qua được cơn nguy kịch. Nhìn thấy người mình cứu khỏe mạnh, bản thân tôi cũng vui", người phụ nữ U80 kể.
Kỷ niệm khó quên
Trong quá trình cứu người, bà Liên cũng không tránh khỏi trường hợp khó xử. Bà kể năm 2012, bà sơ cứu cho một thanh niên ở huyện Kim Thành bị tai nạn xe máy. Nhưng vừa tỉnh lại, người này lập tức đổ tội cho bà lấy trộm tiền trong cốp xe. Chỉ khi công an vào cuộc và có người làm chứng cũng như bắt được nghi phạm, bà mới được minh oan.
"Tôi cũng lường trước được sự việc sau khi lập chốt, nhưng khi thấy người bị nạn thì không thể làm ngơ. Miễn lương tâm mình làm đúng thì ông trời và pháp luật sẽ có mắt", bà khẳng định.
Dần dần, hình ảnh người phụ nữ tóc bạc giúp đỡ người gặp nạn đã cảm hóa được nhiều người. Nhiều hàng xóm cũng đã chung tay cùng gia đình bà Liên, không ngại khó, ngại khổ.
Phó chủ tịch UBND huyện Kim Thành, ông Phạm Viết Tuân, cho biết trường hợp bà Đào Thị Liên được huyện ghi nhận và tặng giấy khen vì đây là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ học tập và noi theo. "Hoạt động mở chốt cứu người đã lan tỏa thông điệp tích cực đến với mọi người", ông Tuân cho hay.