COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm

Đặng Thu Hằng
Chiều 20/10, theo Quyết định số 3896/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 19/10, bệnh COVID-19 chính thức được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20/10.

Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ: Điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Theo ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh COVID-19 hiện nay hoàn toàn phù hợp với phân loại bệnh truyền nhiễm nhóm B.

covid-240923-1697820337.jpeg
 

Cụ thể, trong năm 2023, số ca mắc COVID-19 đã giảm 82 lần so với năm 2022; tỉ lệ tử vong trên số ca mắc là 0,02%, giảm gần 100 lần so với năm 2021; tác nhân gây bệnh là virus SARS-CoV-2 đã được xác định...

Ông Phan Trọng Lân thông tin thêm, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, virus gây bệnh vẫn có thể biến đổi nên việc giám sát bệnh COVID-19 sẽ không chỉ trên ca bệnh mà sẽ tiếp tục được giám sát lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp khác, nhằm theo dõi các biến thể của virus.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, không phải chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là bệnh sẽ nhẹ hơn, mà ngay trong nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B hiện nay vẫn ghi nhận ca tử vong. Tức là chúng ta không nên chủ quan.Tiếp tục giữ phác đồ điều trị bệnh COVID-19 như hiện tại, chưa thay đổi phác đồ điều trị khi bệnh chuyển sang nhóm B, vẫn theo hướng dẫn cập nhất mới nhất tính đến tháng 6/2023.

Các chuyên gia y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp 2K (khử khuẩn và khẩu trang) khi bệnh COVID-19 chuyển sang nhóm B, nhất là đeo khẩu trang ở nơi đông người, nơi công cộng. Việc này không chỉ phòng bệnh COVID-19, mà còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác.

Đối với người mắc bệnh COVID-19, sẽ phải đeo khẩu trang trong 10 ngày kể từ ngày phát bệnh hoặc từ ngày có kết quả dương tính.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, có 11.624.065 ca mắc, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.470 ca mắc).

10.640.953 ca được điều trị khỏi. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Việt Nam đã tiêm 266.532.582 liều vaccine phòng COVID-19.

TH