Công ty chè Phú Đa là doanh nghiệp liên doanh Việt Nam - Iraq hoạt động theo Luật doanh nghiệp áp dụng theo cơ chế doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phía Việt Nam, do Tổng công ty chè Việt Nam (Công ty CP Vinatea Jsc) làm đại diện. Phía Iraq, do Công ty Thương mại thực phẩm nhà nước Baghdad (Foodstuff) làm đại diện. Từ tháng 12/2015, công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần (thuộc sở hữu của Tập đoàn GTN).
Được thành lập năm 2000, sau 18 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty đã có bước phát triển về mọi mặt và góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của vùng đồi núi tỉnh Phú Thọ.
Sau một thời gian thực hiện chuyển đổi mô hình, Công ty chè Phú Đa đã có những bước chuyển biến lớn từ hoạt động sản xuất đến kinh doanh. Nằm trên vùng nguyên liệu dồi dào, công ty sở hữu 1.500 ha vườn chè với nhiều giống chè chất lượng tốt. Năng suất bình quân là 17 tấn/ha, nhiều diện tích đạt 30 tấn/ha; tổng sản lượng khoảng 22.000 - 24.000 tấn chè búp tươi/năm. Ngoài ra, công ty hiện có 400 ha chè giống mới với năng suất, chất lượng cao.
Để hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu chè sạch, chè an toàn, năm 2017 Công ty chè Phú Đa đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy chè Phú Long giai đoạn 1 với số vốn 4,1 tỷ đồng đầu tư cho việc nâng cấp trang thiết bị, xây dựng đường bê tông lên đồi chè và bể chứa nước. Xây dựng vùng nguyên liệu 1.462 ha chè theo tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững (R/A).
Bên cạnh đó, Công ty đã phối hợp với UBND huyện Tân Sơn ban hành quy chế liên kết phối hợp phát triển ngành chè giai đoạn 2010 – 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh chè của Công ty và nông dân địa phương trong vùng, Công ty cùng cán bộ huyện Tân Sơn tuyên truyền hướng dẫn nông dân làm chè áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất chè an toàn, phối hợp thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đồng thời phối hợp xây dựng vùng chè sinh thái du lịch Long Cốc - thác 7 tầng - vườn quốc gia Xuân Sơn tại đội 5 khu vực Long Cốc.
Đến năm 2018, Công ty chè Phú Đa duyệt kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng, trong đó bao gồm: xây dựng nhà máy chè Phú Long giai đoạn 2 giá trị 22,3 tỷ đồng, nâng cấp và tự động hóa dây chuyền sản xuất nhà máy 4,7 tỷ đồng ; xây dựng 20 ha chè hữu cơ (Organic) 2 tỷ đồng, đầu tư cải tạo vườn chè 1 tỷ đồng, và tiếp tục duy trì sản xuất chè búp tươi theo tiêu chí phát triển nông nghiệp bền vững, chè hữu cơ.
Hiện nay, các sản phẩm của Phú Đa đã được cấp chứng chỉ ISO 22.000, chứng nhận HACCP và chứng chỉ Nông nghiệp bền vững R/A.
Việc sản xuất nông nghiệp sạch đã thay đổi toàn diện nhận thức canh tác theo tập quán sang thâm canh chiều sâu. Công tác bảo vệ thực vật được chú trọng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có độc tính cao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh.
Quá trình chăm sóc, thu hái quản lý theo đúng quy trình sản xuất và quy chế quản lý được thực hiện, giám sát chặt chẽ. Nguyên liệu đưa về nhà máy chế biến bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hải Châu (TGĐ Công ty chè Phú Đa) cho biết “Nhờ chuyển đổi quy trình sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn R/A, mà giá trị sản phẩm của công ty được tăng lên. Chính vì thế, giá thu mua đầu vào cho bà con cũng đã được tăng lên đáng kể so với phương thức sản xuất trước đây, giúp nâng cao đời sống của người làm chè”.
Cũng theo ông Châu, sản xuất chè an toàn tiêu chuẩn R/A giúp ngành chè trong nước mở ra cơ hội thâm nhập vào các thị trường nước ngoài khó tính. Hiện tại, các sản phẩm chè Phú Đa cũng đã có mặt tại nhiều thị trường như: Trung Đông, Nga, Thụy Điển…
“Công ty chè Phú Đa luôn coi trọng sản xuất, chế biến sản phẩm chè sạch, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Tuyệt đối nghiêm cấm phun thuốc trừ sâu để diệt cỏ, mà phải làm bằng thủ công. Công tác giám sát quy trình sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm chè luôn được các đoàn liên ngành kiểm tra chặt chẽ, thường xuyên”, ông Châu nói.
Việc mở rộng xuất khẩu giúp giá trị các sản phẩm ngành chè được tăng lên, đồng thời cùng đặt ra yêu cầu phải xây dựng được mô hình sản xuất khép kín, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về chất lượng từ vùng nguyên liệu đến các sản phẩm khi đến tay khách hàng. Để làm được điều đó, cần sự chung tay góp sức của cả doanh nghiệp và những người dân trồng chè.
Ông Lại Cao Lê (Chủ tịch HĐQT Tổng công ty chè Việt Nam - Công ty Cổ phần) chia sẻ, quan điểm chung công ty muốn tồn tại và phát triển được là dựa vào bà con nông dân và những người công nhân ngành chè. Phấn đấu làm sao ngành chè trên đất nước Việt Nam nói chung, ngành chè ở tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ ngày càng phát triển, đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Công ty chè Phú Đa đang quản lý trên 1.460 ha chè tập trung ở 4 huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Tam Nông; ba nhà máy chế biến chè đen OTD ở thị trấn Thanh Sơn, xã Minh Đài và xã Tân Phú, với công suất 180 tấn chè búp tươi trên ngày; bốn xí nghiệp hoạt động báo sổ; trên 4.100 lao động (trong đó, trên 2.100 lao động tham gia đóng BHXH và 2.000 lao động nhận khoán vườn chè).
Hiện, Công ty chè Phú Đa đang đứng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất chè đen. Trong thời gian tới, công ty tiếp tục chú trọng đầu tư trang thiết bị, dây chuyền máy móc, xây dựng nhà máy có công suất lớn hơn, mở rộng vùng nguyên liệu, tăng năng suất, sản lượng, góp phần nâng cao vị thế của ngành chè...