Công nhân mong được hoán đổi số năm đóng BHXH với tuổi hưu

Nguyễn Thị Hải Hà
Lo tuổi cao không "trụ" được với công việc trong nhà máy, công nhân mong được hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa cho số năm thiếu của tuổi nghỉ hưu để có thể "chạm" đến lương hưu.

Khó làm việc được đến tuổi nghỉ hưu

Đến nay, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (39 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã có 16 năm làm công nhân. Cũng chừng ấy năm, chị tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ. Hiện nay, chị đang làm việc tại một nhà máy về linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Là mẹ đơn thân, áp lực càng đè nặng lên đôi vai gầy của chị. Con lớn đã học lớp 9, con nhỏ học lớp 5, cả hai chị đều gửi ở quê, nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Các con lớn khôn, khá tự lập khiến chị Nhung đã yên lòng phần nào.

Chị dự tính sẽ cố làm thêm mấy năm, kiếm tiền nuôi con đến khi trưởng thành. Sau đó, chị sẽ về quê sinh sống, tìm một công việc nào đó phù hợp hơn việc làm ca kíp như ở trong nhà máy.

Chị Nhung hồ hởi kể: "Đợt này nhà máy đã nhiều việc hơn thời điểm trước Tết. Một tuần chúng tôi có 3 ngày được tăng ca. Tổng thu nhập cũng được 8-9 triệu đồng/tháng".

Số tiền ấy co kéo lắm mới đủ để chị chi trả gần 1 triệu đồng tiền thuê trọ, điện nước mỗi tháng, ăn uống, chi tiêu tại thủ đô và gửi về quê nuôi con ăn học. Được hỏi về khoản tích lũy sau gần 20 năm cặm cụi làm việc trong nhà máy, chị lắc đầu "không có".

Công nhân mong được hoán đổi số năm đóng BHXH với tuổi hưu - 1

Chị Nhung cho rằng thêm 5- 7 năm nữa là khó đủ sức khỏe, sự nhanh nhạy để làm công việc trong nhà máy.

Chị Nhung nhẩm tính, đến nay chị đã có 16 năm tham gia bảo hiểm xã hội, còn 4 năm nữa đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Nhưng bây giờ chị mới ở tuổi 39, chờ đến 60 tuổi mới đủ điều kiện lĩnh lương hưu, thật quá xa.

Chính vì vậy, chị từng tính phương án khi nghỉ việc trong nhà máy, chị sẽ rút bảo hiểm một lần, lấy vốn đầu tư bán hàng online, thay vì bảo lưu đến vài chục năm sau mới có lương hưu.

Thực tế, nếu tiếp tục đi làm, số năm đóng bảo hiểm xã hội của chị vượt xa 20 năm. Song chị cũng đã thấy rõ vấn đề, ngoài 45 tuổi, "mắt mờ, chân chậm", sức khỏe không đáp ứng được công việc yêu cầu đứng liên tục 8 - 10 tiếng mỗi ngày trong nhà máy như hiện nay. Chính vì vậy, nếu được hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa cho số tuổi nghỉ hưu thiếu so với quy định, chị rất mừng.

Theo chị Nhung, nếu được hoán đổi thì chị có cơ hội hưởng lương hưu và lương hưu cao hơn.

Đề xuất hoán đổi

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhiều công nhân, lao động đi làm khi tuổi còn rất trẻ. Hiện nay, họ đã thừa số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa 75%, nhưng lại thiếu tuổi nghỉ hưu.

Thực tế nhiều người nghỉ hưu sớm, bị trừ tỷ lệ hưởng nên nhận mức lương hưu thấp. Theo bà Hà, nhiều năm nay, người lao động đã gửi gắm ý kiến mong muốn được chuyển đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội thừa cho số năm thiếu tuổi nghỉ hưu.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc, đây không chỉ là ý kiến riêng của công nhân mà còn của nhiều công chức, viên chức trong cơ quan hành chính sự nghiệp. Để từ đó, những người thừa năm đóng, thiếu tuổi nghỉ hưu vẫn được hưởng 75% lương hưu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách Pháp Luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Xung quanh dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến góp ý. Hiện tại, chúng tôi ghi nhận đề xuất trên từ thực tế của người lao động".

Theo ông Quảng, lâu nay, nhiều người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội vượt quá quy định tối thiểu đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu. Nhiều người không chờ được đủ tuổi đã phải nghỉ hưu sớm, bị trừ tỷ lệ % hưởng lương hưu.

Vấn đề hoán đổi số năm đóng bảo hiểm thừa với tuổi nghỉ hưu còn thiếu chưa được cơ quan soạn thảo luật đề cập. Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến phải quan tâm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp, xem xét để có ý kiến đa chiều hơn.