Công bố Báo cáo Quốc gia Việt Nam 2022: Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam

Nguyễn Hồng Hạnh
Ngày 15/9, tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Justus Liebig, Giessen, CHLB Đức và Quỹ Hanns Seidel, CHLB Đức tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Quốc gia Việt Nam 2022 khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
bao-cao-1663254457.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm

Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam là ấn phẩm thứ 4 trong chuỗi Báo cáo Quốc gia về Việt Nam giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Trường Đại học Justus Liebig, Giessen và Quỹ Hanns Seidel thực hiện.

Trong quá trình biên soạn báo cáo, các tác giả nhận thấy rằng đối phó với hậu quả của chiến tranh là một chủ đề dường như bị lãng quên, ngay cả trên bình diện quốc tế - ít nhất là nếu người ta so sánh chủ đề này với một số lượng lớn các luận thuyết học thuật hoặc mô tả phổ biến trong các tiểu thuyết, hồi ký, phim ảnh... Vì vậy, trọng tâm của Báo cáo số này là tiếp cận vấn đề khắc phục hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam từ góc độ chính trị - xã hội: Việt Nam được tái thiết như thế nào sau sự tàn phá của chiến tranh? Việt Nam đã cố gắng giải quyết những hậu quả xã hội của chiến tranh như thế nào?

bao-cao2-1663254463.jpg
 

Nội dung ấn phẩm được chia thành 9 mục: Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách ưu đãi người có công ở Việt Nam; Chăm sóc sức khỏe – Khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam; Chính sách xây dựng vùng kinh tế mới sau năm 1975: Mục tiêu và thành tựu; Vấn đề bom mìn và vật liệu nổ từ góc độ kinh tế - xã hội sau năm 1975; Giải quyết hậu quả của chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghiên cứu đặc biệt: Điều kiện sống của nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ ở Việt Nam – Dựa trên khảo sát thực địa tại tỉnh Thanh Hóa; Các chính sách khăc phục hậu quả của chiến tranh trong thế kỷ 20 – Nghiên cứu trường hợp Việt Nam; Thể chế và sáng kiến ở Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig, Giessen hy vọng rằng ấn phẩm này sẽ gợi ra nhiều vấn đề để suy ngẫm hoặc thậm chí có thể giúp đưa ra các biện pháp cải thiện tình hình trong tương lai, bởi vì dù sao thì quá khứ cũng không thể thay đổi: Chiến tranh đã để lại rất nhiều người tàn tật hoặc chấn thương và môi trường của một số khu vực, ví dụ như ở những nơi lưu trữ vũ khí hóa học trước đây của Mỹ như chất độc màu da cam bị ô nhiễm nặng, không được an toàn về mặt sức khỏe và sinh thái”, TS. Detlef Briesen, Đại học Justus Liebig, Giessen nhấn mạnh.

N.Hạnh