"Con ơi, 3 anh trai con đã chết rồi, con đừng bỏ bố đi nốt !"

Tạp Chí Nhân Đạo
Các con đứa thì không có hậu môn, đứa dị dạng khèo chân, đứa lại bị não úng thủy qua đời khiến cho bác Dung như chết điếng. Những đứa còn lại, đứa thì bị thần kinh, đứa lại đang đứng trước cửa

Câu chuyện buồn đó là của bác Lê Văn Dung (thôn Hòa Bình, xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) mà chúng tôi đã có dịp trò chuyện khi bác đang lên chăm con trai đang điều trị tại khoa Thalasemia của Viện huyết học truyền máu TW. Gương mặt sạm đen với đầy những nếp nhăn xô lại, bác không giấu được hai hàng nước mắt đang thi nhau chảy ra, giọng nghèn nghẹn:.

“Bác có tất cả 7 người con nhưng 3 đứa nó chết rồi. Một đứa thì bị thần kinh, em Phòng này thì bị tan máu bẩm sinh từ lâu rồi, còn 2 đứa khác thì khỏe mạnh nhưng chúng nghèo chẳng có đủ cả cái ăn”.

Bác Dung bật khóc khi kể chuyện 3 đứa con đã chết của mình.

Nói đến đây thì bác sững người lại bởi kí ức dữ dội lại tràn về. 3 đứa con ra đi, với bác đó là điều khủng khiếp hơn cả cái chết với mình, nhưng vì những đứa con còn lại bác phải gắng gượng sống tiếp đến ngày hôm nay. Tuy vậy những sự mất mát đó dường như chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người bố già này.

“Chúng nó cứ lần lượt bỏ bác mà đi. Còn 1 đứa nữa ở nhà thì bị viêm đa khớp mãn tính cộng với thần kinh không ổn định, cứ lên cơn là lại cầm dao đánh đuổi mọi người. Còn em đang nằm kia là em Phòng là con thứ 6 của bác, em nó bị tan máu bẩm sinh đã biến chứng rồi nên bác lo lắm. Nó thì thương bố, cứ khóc suốt thôi”.

Lần này bác lại lên viện chăm con trai bị tan máu bẩm sinh.

Anh Phòng bị bệnh đã lâu nhưng không có tiền đi chữa bệnh nên nay đã biến chứng làm suy tim độ 4.

Cố nén chịu mọi nỗi đau, lần này bác lại trở lên viện chăm con trai là anh Lê Quốc Phòng bởi căn bệnh tan máu bẩm sinh đã biến chứng nặng. Làn da sạm đen, nhợt nhạt không còn sức sống, anh Phòng gần như không thể đi lại mà chỉ nằm bẹp trên giường với đôi mắt lúc nào cũng buồn rượi. Giọng khe khẽ, anh bảo:.

“Bệnh của anh anh biết, anh không sợ chết, chỉ thương bố anh thôi. Cả cuộc đời ông đã phải chịu bao nỗi đau, 3 người anh của anh đã chết rồi, giờ lại đến lượt anh, không biết rồi bố của anh có chịu đựng được nữa không?”.

Thương con nhưng bác Dung bất lực không biêt làm cách nào cứu con.

Cố gắng níu sự sống lại cho con nhưng bác không có tiền để cho con chữa bệnh tiếp.

Nỗi trăn trở của anh Phòng càng khiến cho các bác sĩ trong khoa thêm lo lắng bởi cái dáng hao gầy, tội nghiệp của bác Dung khiến ai cũng nhớ. Là người trực tiếp điều trị cho Phòng, ThS. BS Vũ Hải Toàn – Phó giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW có những trăn trở:.

“Với bệnh tình của em Phòng thì giờ đã ở giai đoạn rất nặng rồi vì trước đây không có điều kiện đi chữa bệnh nên giờ đã biến chứng làm suy tim, suy gan, khí sắc rất kém. Hiện em đang được điều trị tích cực tại khoa với mong muốn kiểm soát được bệnh và kéo dài sự sống cho em.

Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, sống ở vùng cao, hơn ai hết Phòng hiểu và thương bố lắm.

Em bảo không sợ chết, chỉ sợ bố sẽ không vượt qua được nỗi đau mất con thêm lần nữa.

Còn với bác Dung thì cả khoa chúng tôi rất là nhớ bởi lí do thứ nhất đó là lần nào hỏi về tình hình của con bác cũng khóc. Hàng ngày chăm con, cứ đợi đến lúc con đi ngủ là bác lại tìm ngồi 1 chỗ, lặng lẽ khóc một mình tội lắm. Lí do thứ 2 khiến chúng tôi cũng nhớ đến bác đó là khi có nhà hảo tâm nào vào thăm và cho quà gia đình thì cả hai bố con bác rất thảo, có gì là đi chia hết cho các bệnh nhân xung quanh chứ không giữ riêng cho mình bất cứ cái gì cả. Đây là điều rất đáng quý, đặc biệt là với một gia đình nghèo khó đặc biệt như gia đình bác Dung”.

Nói về lí do vì sao anh Phòng bệnh nặng thế này mới xuống viện, bác Dung cứ cúi gằm mặt, ái ngại mãi mới tâm sự được: “Nhà không có tiền cô ạ, xuống đến đây tiền ăn cũng phải đi xin chứ có tiền đâu”.

Bản thân đã từng tham gia dân công hỏa tuyến ở chiến trường Tây Nguyên giai đoạn từ năm 1974-1975 nên bác hiểu sự ác liệt của chiến tranh và ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Đó là câu chuyện của chiến tranh với những tháng ngày còn trẻ bác đã không hề run sợ, thế nhưng với hạnh phúc gia đình riêng của mình, người cha già ấy đã luôn sợ hãi, nơm nớp lo âu. 3 đứa đi rồi, bác bảo lần này Phòng nó đi nữa chắc bác sẽ không chịu đựng được rồi, thế nhưng cạn kiệt quá rồi bác chẳng còn gì cho con chữa trị tiếp?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:.

Bác Lê Văn Dung (thôn Hòa Bình, xã Y Can, huyện Trần Yên, tỉnh Yên Bái).

Hiện bác Dung đang chăm con trai tại khoa Thalasemia - Viện huyết học truyền máu TW.

Số ĐT: 0986.498.779.