'Cơn khát' viện trợ Trung Quốc tại lục địa đen

Tạp Chí Nhân Đạo
Là nơi có nhiều quốc gia nghèo và đang phát triển, chính phủ nhiều nước châu Phi cần tới các khoản vay và viện trợ từ Trung Quốc để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển đất nước sau thời gian dài khó khăn.

Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình (giữa) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo châu Phi tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: Reuters) 

Nếu được hoàn thành theo kế hoạch ban đầu, một sân bay quốc tế mới tại Sierra Leone sẽ trở thành trung tâm hiện đại chào đón du khách quốc tế và là biểu tượng cho thấy, sau cuộc nội chiến tàn phá đất nước và dịch bệnh Ebola hoành hành, Sierra Leone cuối cùng cũng mở cửa chào đón các cơ hội đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên vào tháng trước, chính phủ Sierra Leone cho rằng kinh phí hàng triệu USD xây dựng sân bay mới là quá lớn. Do vậy, quốc gia châu Phi này quyết định dừng phương án vay Trung Quốc hơn 300 triệu USD để xây sân bay vì lo ngại không có khả năng trả nợ.

Giới phân tích đã dành nhiều lời khen cho Tổng thống Julius Maada Bio vì hành động “hãm phanh” kịp thời trước khi đẩy Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, vào cảnh nợ nần nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng Sierra Leone đã rút kinh nghiệm từ những bài học “xương máu” của các quốc gia khác khi vướng vào những khoản nợ khổng lồ với Bắc Kinh.

Nhưng chỉ vài ngày sau khi thông báo dừng dự án xây sân bay mới, Tổng thống Bio đã xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc và tuyên bố ông chưa hề “rời xa” Trung Quốc. Trên thực tế, ông đang trông cậy vào Trung Quốc để nhờ nước này hỗ trợ cho dự án xây cầu trị giá hơn 1 tỷ USD, đồng thời để ngỏ khả năng tái đàm phán với Bắc Kinh về khoản vay 300 triệu USD xây sân bay.

“Chúng tôi là một nước đang phát triển. Và chúng tôi trông chờ vào những nước có thể giúp chúng tôi phát triển”, ông Bio nhấn mạnh.

Trên truyền hình, ôn Bio giải thích rằng ông chỉ quan ngại về một số điều khoản của thỏa thuận xây dựng sân bay mới và việc ông thông báo tạm dừng dự án này không có nghĩa là dừng hợp tác với Trung Quốc. Thay vào đó, ông vẫn ca ngợi một trung tâm y tế của Trung Quốc cũng như các khoản viện trợ mà Bắc Kinh trao cho Sierra Leone - một trong những nước có quặng sắt lớn nhất thế giới. 


Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Julius Maada Bio tại Bắc Kinh hồi tháng 8. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Julius Maada Bio tại Bắc Kinh hồi tháng 8. (Ảnh: Tân Hoa Xã) 

Trên khắp khu vực châu Phi hạ Sahara, chính phủ các nước như Sierra Leone đang chọn cách “phớt lờ” bài học của nhiều quốc gia đang phát triển, những nước chìm trong khó khăn về kinh tế sau khi trở thành con nợ của Trung Quốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo 45% số quốc gia tại khu vực này đang tiến gần tới nguy cơ khủng hoảng nợ. Tuy vậy, nhiều nước vẫn đang tìm kiếm các khoản vay từ Bắc Kinh để xây dựng sân bay, đường cao tốc, tàu hỏa, đập và các dự án điện.

Kenya đang vay tiền Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, đồng thời phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Bắc Kinh, dẫn tới tình trạng mất cân bằng thương mại trong quan hệ song phương. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta từng phàn nàn tại một hội nghị tổ chức ở Thượng Hải rằng kim ngạch thương mại giữa Kenya và Trung Quốc đã tăng gấp 8 lần trong vòng 10 năm qua và hoạt động thương mại đang nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh.

IMF cũng cảnh báo Djibouti, nơi Trung Quốc đặt một căn cứ quân sự lớn và từng tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật, về những nguy cơ có thể xảy ra từ khoản nợ ngày càng tăng của nước này, trong đó chủ yếu là với ngân hàng Xuất nhập khẩu của chính phủ Trung Quốc. Tuy vậy, Djibouti cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ hạn chế việc vay tiền Trung Quốc để phát triển các dự án và cũng không chắc rằng liệu các dự án này có thu lại đủ lợi nhuận để thanh toán các khoản nợ cho Bắc Kinh hay không.

Tại Nigeria, các dự án của Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt cáo buộc về tham nhũng, những quyết sách sai lầm và trong một số trường hợp là những công trình chất lượng kém. Tuy vậy, quốc gia châu Phi này vẫn cần tới Trung Quốc để xây dựng đường sắt ven biển và rất nhiều các dự án khác.

“Những khoản nợ của Trung Quốc đã trở thành chất kích thích cho các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng: khả năng gây nghiện cao, luôn có sẵn và ẩn chứa những tác động tiêu cực dài hạn”, Grant T. Harris, giám đốc phụ trách châu Phi tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định.

Tình trạng hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất đổ bộ vào thị trường châu Phi khiến nhiều công ty tại khu vực này không đủ khả năng cạnh tranh, từ đó càng khiến cho các nước châu Phi gặp nhiều khó khăn trong việc nâng nguồn dự trữ tiền mặt, chủ yếu là đồng USD, để thanh toán cho các khoản vay từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu cho vay tới các nước giàu tài nguyên như dầu khí, bô xít, sắt và các kim loại khác. Do vậy, nếu một quốc gia đang phát triển giàu tài nguyên gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay cho Trung Quốc, họ có thể trả bằng chính tài nguyên của nước mình. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đạt được mục đích chính trị khi lấy các khoản vay làm điều kiện để thuyết phục các nước ủng hộ chính quyền Bắc Kinh, thay vì Đài Loan.

"Cơn khát" của châu Phi 


Người dân Djibouti cầm cờ Trung Quốc tại lễ khai trương dự án nhà ở hồi tháng 7 (Ảnh: Getty)
Người dân Djibouti cầm cờ Trung Quốc tại lễ khai trương dự án nhà ở hồi tháng 7 (Ảnh: Getty)

Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác châu Phi - Trung Quốc ở Bắc Kinh gần đây, Trung Quốc thông báo đã thiết lập quỹ 60 tỷ USD để hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng của châu Phi nhằm tăng cường mối liên kết với châu lục này.

Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ tại những khu vực mới trên lục địa đen, đặc biệt ở phía Tây Phi. Trung Quốc đã đưa nhiều quốc gia Tây Phi vào danh sách các nước nhận viện trợ từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Một trong những nước mới tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường là Senegal. Tại lễ cắt băng khánh thành ở thủ đô của Senegal trong chuyến thăm vào mùa hè năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã trao chìa khóa của sân vận động mới do Trung Quốc xây dựng cho tổng thống Senegal. Ngoài ra, các khoản vay từ Trung Quốc cũng giúp xây dựng một tuyến đường cao tốc tại thành phố Touba và một phần khu công nghiệp.

“Đối với châu Phi, đây không phải là điều gì xấu xa. Họ cần cơ sở hạ tầng. Họ không thể chờ viện trợ từ phương Tây. Họ cần viện trợ nhanh chóng và chính phủ Trung Quốc đã đáp ứng được yêu cầu đó”, Anna Rosenberg, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi hạ Sahara tại hãng tư vấn thị trường mới nổi Frontier Strategy Group, nhận định.

Với những quốc gia như Sierra Leone, nơi đang khao khát bỏ lại phía sau những năm tháng bất ổn chính trị, sức hút từ các khoản vay của Trung Quốc rất khó kháng cự. Với hơn một nửa dân số vẫn đang sống dưới mức nghèo và nền kinh tế vật lộn để có thể quay về bằng với thời điểm trước khi đại dịch Ebola bùng phát, Sierra Leone không còn nhiều lựa chọn, ngoài việc bắt tay với Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích và chuyên gia, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde, đều đã cảnh báo các nước về việc gánh quá nhiều khoản nợ của Trung Quốc. Trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong tháng này, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích Trung Quốc sử dụng “ngoại giao nợ” để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Tuy vậy, các quan chức Trung Quốc nhiều lần phủ nhận cáo buộc rằng, các khoản vay của nước này nhằm tạo ra bẫy nợ cho các nước châu Phi.

Trung Quốc hứa sẽ xóa nợ cho một số nước châu Phi nghèo nhất. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nước nào được hưởng quyền lợi này và cam kết của Bắc Kinh sẽ chỉ áp dụng với các khoản vay không lãi suất.

Các nhà phân tích cho rằng chính phủ các nước châu Phi cần tỉnh táo hơn trong việc đàm phán các khoản vay với Trung Quốc, thương lượng với Bắc Kinh về tỷ lệ lãi suất cũng như bổ sung thêm các điều khoản yêu cầu Trung Quốc tuyển dụng các lao động địa phương, thay vì sử dụng lao động Trung Quốc.

Theo Dân trí