Có nhiều tình huống gây tái nhiễm virus SARS-CoV-2

Tạp Chí Nhân Đạo
Nhiều người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng sinh miễn dịch kém vẫn có khả năng tái nhiễm.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Trước thực trạng gần đây có nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19, thậm chí chỉ trong khoảng thời gian ngắn 1- 2 tháng sau khi đã khỏi bệnh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Với các trường hợp dương tính lại sau một thời gian từng mắc COVID-19, cần có nghiên cứu cụ thể xem những trường hợp này tái nhiễm vì lý do gì, có cần xét nghiệm lại bằng PCR không, vì việc phát hiện dương tính qua test nhanh có thể chưa rõ”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cần phải có nghiên cứu để khẳng định việc tái nhiễm là do đâu; có thể có nhiều trường hợp xảy ra như: Một số người đã từng mắc COVID-19 nhưng không sinh miễn dịch, hoặc miễn dịch kém; người không tiêm vaccine hay cơ thể không sinh miễn dịch vẫn có thể nhiễm lại; hay tái nhiễm do mắc phải chủng khác (như từng mắc chủng Delta và lại mắc thêm chủng Omicron); hoặc cũng có những người sau khi khỏi bệnh vẫn còn sót lại những mảnh virus gây dương tính khi test nhanh, dễ hiểu nhầm là virus sống…
“Đặc biệt, cần phải nghiên cứu xem những người tái nhiễm COVID-19 có làm lây lan sang người khác không. Cần phải có những nghiên cứu cụ thể trên nhiều trường hợp để làm cơ sở chứ không thể chỉ đánh giá qua quan sát, thông tin qua truyền miệng…”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.
BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết: Đã có nhiều bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.
Theo đó, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể người bệnh sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Tuy vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... của từng người. Trường hợp, nếu kháng thể sinh ra không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ phòng dịch, khi tiếp xúc với F0, nhất là F0 nhiễm biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm; như người đã từng nhiễm chủng Delta, có thể nhiễm tiếp chủng Omicron.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người đã khỏi COVID-19 vẫn có nguy cơ tái nhiễm vì vậy, sau khi khỏi bệnh, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch để tránh sự xâm nhập của virus, tăng cường miễn dịch để phòng bệnh.
Tạ Nguyên
https://baotintuc.vn/y-te/co-nhieu-tinh-huong-gay-tai-nhiem-virus-sarscov2-20220311094145699.htm