Cô giáo Nhật Bản mang kì tích cho hàng chục trẻ da cam Đà Nẵng

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Hơn 2 năm gắn bó cùng Trung tâm bảo trợ trẻ em chất độc màu da cam (cơ sở 3) xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, cô Nonoyama Nobuyo (40 tuổi) - tình nguyện viên đến từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã biến những đứa trẻ bị chất độc da cam “vô hồn” nơi đây từng bước hòa nhập với cộng đồng.
1
Cô Nobuyo cùng các em tham gia hoạt động ngoài trời.

Lớp học đặc biệt

9h sáng hàng ngày, lớp học chỉ vỏn vẹn 15m2 của cô Nobuyo luôn tràn ngập tiếng cười nói của những đứa trẻ là nạn nhân chất độc màu da cam. Không ai có thể ngờ, những đứa trẻ ngờ nghệch ấy lại có thể tự ngồi ngay ngắn vào ghế của mình, thành thục tỉ mỉ xâu từng chuỗi hạt với vẻ mặt tràn đầy vẻ thích thú. Vì tên gọi của cô giáo Nhật Bản khó nhớ nên các em ở đây hay gọi cô với cái tên thân mật là “cô Yo”.

Lớp học bắt đầu bằng một sự tập trung hiếm thấy, lâu lâu cô Nobuyo lại đưa mắt theo dõi quá trình thực hiện của bọn trẻ. Như biết được suy nghĩ của cô, bọn trẻ đưa xâu chuỗi của mình reo lên: “Cô Yo, dễ mà, dễ mà…”

2
Cô Nobuyo giới thiệu về vạch chia mức dành riêng cho trẻ da cam.

Khi chúng tôi đến, các em niềm nở trò chuyện mà chẳng tỏ chút e ngại khi lần đầu tiếp xúc với người lạ. Những đứa trẻ bị thương tật nặng, biểu đạt ngôn ngữ kém, chỉ có thể cười vu vơ, thoáng chốc lại ngước nhìn chúng tôi rồi cúi xuống những chuỗi hạt còn đang xâu dở trên bàn, đầu gật gù như muốn khoe về những sản phẩm mà mình đã làm được.

Được biết, trước đây cô Yo từng làm công tác xã hội hơn 10 năm khi còn ở Nhật Bản, sau đó gia nhập tổ chức JICA về Việt Nam để làm các công tác thiện nguyện. Gắn bó với trung tâm bảo trợ trẻ em da cam Đà Nẵng hơn 2 năm, cô Yo đã sáng tạo nên cách dạy đặc biệt nhằm xây dựng ý thức tự lập cho những đứa trẻ ở đây. Cô quản lí lớp bằng một nội quy được dán trên tường, thậm chí ngay cả khi cô Yo đi vắng, các em vẫn ngồi đúng vị trí của mình và nghiêm túc thực hiện công việc như thể cô đang có mặt tại lớp. Đối với những bài học về cách làm sản phẩm thủ công, thay vì cầm tay chỉ việc, cô Yo để các em trực tiếp thực hiện các công đoạn qua sự hướng dẫn gián tiếp của mình. Cô vẽ các bước làm ra giấy theo tỉ lệ thực và tập luyện hàng ngày để tạo thói quen cho mỗi em.

6
Em Xuân giới thiệu về bức tranh vẽ cô giáo của mình.

Chia sẻ về phương pháp dạy đặc biệt này, cô Yo tâm sự: “Trước kia ở Nhật tôi đã từng dạy cho người khuyết tật, nhưng là cho người lớn. Ở Nhật, tôi dạy cho họ bằng Tiếng Nhật, cách dạy của người Nhật nên dễ dàng hơn. Khi sang Việt Nam, mọi thứ đều khác về văn hóa lẫn ngôn ngữ. Thật ra tôi không có kĩ năng gì đặc biệt mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của mình thôi. Tôi cảm nhận mức độ tiếp thu của mỗi em rồi hướng dẫn cách làm cho phù hợp với từng em. Sau một thời gian tập luyện các em đã có thể tự mình xâu được chuỗi hạt, làm cây hoa thủ công.”

Tình thương vượt qua rào cản ngôn ngữ

Vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, cô Yo đã đem đến tình yêu thương bất tận dành cho những đứa trẻ bất hạnh nơi đây. Với vốn Tiếng Việt hạn hẹp, mọi sự truyền đạt của cô Yo chỉ thông qua ngôn ngữ hình thể và nét mặt, lâu dần, bọn trẻ có thể hiểu được những gì mà cô muốn truyền đạt.

Đối với những đứa trẻ hay vô thức đập bàn và vung tay đánh bạn, cô Yo luôn từ tốn, kiên nhẫn giảng giải. Cô cúi xuống nhìn đứa trẻ đăm chiêu rồi cau mày ra vẻ không đồng ý, nhỏ nhẹ nhắc nhở:  “Liễu…xin lỗi…”. Đứa trẻ ban đầu còn ngang bướng, lúc sau đã cúi đầu tỏ ý biết lỗi.

3
Em Liễu thích thú xâu từng chuỗi hạt.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Vang, phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em da cam Đà Nẵng (cơ sở 3) cho biết: “Lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận tình nguyện viên có thời gian tình nguyện lâu đến vậy. Ban đầu tôi thấy lo lắng vì khác ngôn ngữ, khác văn hóa, không biết cô Yo có làm tốt công việc của mình không. Qua thời gian dài gắn bó, nay các em đã hoạt bát và vui vẻ hơn rất nhiều. Hơn hết, trung tâm cũng luôn nói với các nhân viên rằng phải luôn học hỏi cách làm việc của cô Yo để chăm sóc trẻ tốt hơn.”

4
Sản phẩm thủ công của trẻ da cam Đà Nẵng

Anh Nguyễn Nghĩ - phụ huynh của cháu Nguyễn Hòa Niên (13 tuổi) trú tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Anh đã đưa cháu lên đây được 2 năm. Từ khi học lớp cô Yo, cháu tiến bộ rất nhiều. Ngày xưa cháu chỉ có thể nằm một chỗ, nhưng giờ có thể leo lên giường rồi bò đi đây đi đó. Cháu cũng biết chữ, biết số, dù đọc còn khó nghe nhưng có thể đọc từ 1 đến 100”.

Khi nhắc đến cô Yo, bọn trẻ tuy chỉ nói được ngập ngừng từng chữ, nhưng ánh mắt luôn ánh lên niềm vui, vẻ mặt thể hiện sự yêu mền: “Thương…cô Yo. Cô Yo ăn…ngủ…cùng em…cô Yo dạy…cô Yo về Nhật Bản…buồn..”

Cao Uyên-Huỳnh Trưng