Ngày 18/12/2021 là cột mốc cô bé Đào Thị Tuyết Băng nhớ nhất trong đời: Em phát hiện mắc ung thư. Đây cũng là giai đoạn em chuẩn bị thi lên cấp 3. Thấy bụng ngày càng to, Băng nhờ mẹ dẫn đi siêu âm. Tại Bệnh viện huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, bác sĩ thông báo em có một khối u to bằng thai nhi 5 tháng, yêu cầu chuyển lên tuyến trên ngay lập tức.
"Bác sĩ kêu em ra ngoài và thông báo kết quả với mẹ. Lúc mẹ trở ra, mắt đỏ hoe. Em sụp đổ hoàn toàn khi biết tin về căn bệnh của mình’, Băng nhớ lại.
Nỗi lo sợ trong cô bé 14 tuổi không chỉ là vấn đề về sức khoẻ. Nhà nghèo, ba mẹ ly hôn nên mọi gánh nặng kinh tế dồn cả vào vai mẹ. "Em chưa đỡ đần được gì, giờ lại làm khổ mẹ", Băng nói.
Thấy con buồn và suy sụp, chị Nguyễn Thị Ngọc Thi chỉ biết động viên, hy vọng khối u của con là lành tính.
Vay mượn được 10 triệu đồng, chị Thi dẫn con lên bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM ngay trong đêm. Có kết quả xét nghiệm, chụp MRI, Băng xin được ở lại nghe kết quả cùng mẹ. Bác sĩ dự đoán khối u có nhiều khả năng ác tính, cần phải làm phẫu thuật gấp.
Băng nhớ lại lúc đó mẹ hỏi bác sĩ em có thể sống thêm được bao lâu. Bác sĩ bảo "nếu tươi vui và lạc quan thì có 50% cơ hội được cứu sống. Cơ hội sẽ thấp hơn nếu em bi quan và bỏ cuộc".
Khác với lần nghe tin trước, Băng nói lần này đã chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất. Em buồn nhưng chấp nhận sự thật và sẵn sàng để đối diện với hành trình khó khăn phía trước.
Hai ngày sau, Băng lên bàn phẫu thuật. Thử thách nhân lên gấp đôi khi mẹ em mắc Covid-19 và phải cách ly. Khoảnh khắc trước khi chìm vào cơn mê, Băng bảo mình đã nắm chặt tay, tràn ngập trong tâm trí là hình ảnh của mẹ. Em nhủ phải mạnh mẽ để vượt qua và bình an gặp lại mẹ sau ca mổ.
Ở một phòng trọ cách bệnh viện không xa, chị Thi trải qua những giây phút tận cùng của nỗi sợ mất con. Với chị, Băng là đứa con ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Biết mẹ vất vả, từ nhỏ, sau mỗi giờ đến trường, Băng phụ mẹ gia công nút áo để kiếm thêm tiền. Chưa bao giờ con đòi hỏi bất cứ điều gì, cũng chưa bao giờ xin mẹ tiền ăn quà bánh cùng chúng bạn.
Trước khi phát hiện bệnh, nhiều lần Băng bộc bạch ước mơ sau này sẽ đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền về đỡ đần cho mẹ. Chị Thi đau khổ vì trong ca đại phẫu đầu tiên trong cuộc đời của con, mẹ không thể ở cạnh. Mọi thông tin về Băng, chị chỉ được cập nhật qua điện thoại với chồng cũ.
Ca phẫu thuật thành công, mở mắt ra thấy ánh đèn trong phòng hậu phẫu, Băng biết mình vẫn còn cơ hội được sống, em tự nhủ sẽ cố gắng để sống cuộc đời còn lại thật ý nghĩa.
Một tuần sau, em được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu TP HCM để tiếp tục điều trị hoá chất. Lúc này, Băng được gặp lại mẹ. Dù kết quả sinh thiết kết luận khối u là ác tính, nhìn những giọt nước mắt của mẹ và sự tất bật chạy vạy của cha, Băng càng quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua bệnh tật.
Phác đồ điều trị tiếp theo của Băng là bốn đợt truyền hoá chất. Lần hoá trị đầu tiên, em vật vã vì liên tiếp những trận sốt, ói, cơ thể đau đớn suốt một tuần. Mái tóc dài ngang lưng từng là điều tự hào nhất của Băng, nay ngày một rụng dần. Em giấu nước mắt vào trong vì sợ mẹ biết sẽ càng lo lắng.
Những lần hiếm hoi tỉnh táo và đỡ mệt, Băng lại lấy sách vở mang theo ra ôn tập ngay trên giường bệnh, dùng điện thoại di động để tìm thêm thông tin trên mạng. Băng nhờ bạn bè chụp lại bài học trên lớp và tự nghiên cứu làm lại bài tập. Những kỳ kiểm tra tại lớp không thể tham gia cùng các bạn, Băng xin được làm kiểm tra lại. Bất cứ khi nào có thể, em đều cố gắng tham gia những buổi ôn tập online cùng bạn bè và cô giáo ở quê.
"Việc học giống như liều thuốc giảm đau của em vậy. Năm học này lại quan trọng vì là bước đệm cho cấp học THPT, nên em đặt mục tiêu mình phải đậu vào cấp 3. Mỗi khi được học, em thấy mình rất vui và tràn đầy năng lượng’’, Băng nói.
Theo chị Thi, vì lo con sẽ ảnh hưởng sức khoẻ nên nhiều lần chị khuyên con nghỉ ngơi. Vào hoá chất người mệt mỏi, ăn uống không được, Băng vẫn nhất định ngồi vào bàn học. Mẹ không cho nhưng mỗi lần lên bệnh viện để hoá trị, Băng vẫn lén nhét sách vở vào ba lô. Dù lo lắng, thấy con ham học, lạc quan và mạnh mẽ, người mẹ như được tiếp thêm niềm tin, cố gắng đồng hành cùng con.
Kết thúc giai đoạn hoá trị, Băng còn hai tháng chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Em lao vào học để bù đắp kiến thức bị hụt. Nỗ lực của Băng đã mang lại cho em số điểm 43,5/60 trong kỳ thi tuyển.
Cô Diệp Hồng Linh, giáo viên tại trường THCS Thị trấn Cầu Ngang, Trà Vinh, vừa là cô giáo vừa là hàng xóm của Băng cho biết: "Từ nhỏ, Băng là một cô bé ham học và học rất giỏi. Băng chững chạc, trưởng thành, hiếu thảo và lễ phép. Mọi người trong xóm hay lấy Băng làm tấm gương để dạy con mình. Từ lúc bị bệnh phải điều trị, em vẫn cố gắng tham gia những buổi học online cùng các bạn. Thầy cô trong trường ai cũng thương và cảm động trước nỗ lực học tập của em’’.
Theo bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, bé Băng mắc bướu tế bào mầm buồng trứng giai đoạn 2C. Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ trong giai đoạn dậy thì. Sau khi phẫu thuật loại bỏ khối u, Băng đã hoàn tất hoá trị 4 đợt, đáp ứng tốt với thuốc. Tuy nhiên, tế bào bệnh vẫn có nguy cơ phát triển lại. Do đó, Băng đang được theo dõi tái khám định kỳ.
"Bệnh nếu được phát hiện sớm thì hoàn toàn có khả năng chữa khỏi’’, bác sĩ Thuỷ cho hay.
Hiện Băng vào năm học mới tại một trường THPT và chọn khối B vì muốn sau này mình trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho những em bé không may mắc bệnh như mình.
"Em biết ước mơ đó có nhiều thử thách vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhưng khi cuộc sống đã cho em chỉ 50% cơ hội được sống, em vẫn có thể vượt qua thì chắc chắn rằng em sẽ cố gắng đạt được ước mơ bằng tất cả những gì có thể’’, Băng nói.