Chuyện về người chồng cõng vợ đi chơi ...

Nguyễn Diệp Linh
Chàng sinh viên phải lòng cô gái khuyết tật đôi chân. Tuy nhiên để đến với nhau và có hai con gái họ đã phải trải qua biết bao sóng gió, dị nghị từ chính người thân của mình.

Nguyễn Thị Xuân Dung (44 tuổi) là người con thứ 10 trong một gia đình có 12 anh chị em (6 nam, 6 nữ). Tất cả đều khỏe mạnh riêng chị Dung bị sốt bại liệt từ nhỏ khiến đôi chân teo tóp.

Năm Dung ngoài 20 tuổi, bỗng một chàng sinh viên xuất hiện trong đời, đó chính là những lý do để mọi người gieo sự hoài nghi...

Tình yêu đầy nước mắt

Chúng tôi đến thăm căn nhà của anh chị mua năm 2012, chỉ 38m2 nằm trong con hẻm 27/4 đường Cửu Long, phường Phước Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Nhà nhỏ nhưng ngăn nắp, gọn gàng.

Chuyện tình đẹp của anh Vũ - chị Dung khiến ai cũng cảm phục. Ảnh: CÔNG THI Chuyện tình đẹp của anh Vũ - chị Dung khiến ai cũng cảm phục. Ảnh: CÔNG THI

Anh Trần Mai Hoàng Vũ (45 tuổi), đưa ánh mắt trìu mến nhìn vợ, kể: “Gia đình tôi ở Vũng Tàu, là anh trai của 3 đứa em gái, bao nhiêu công việc lớn nhỏ, sự kỳ vọng đầy tương lai về một gia đình và bản thân…như lẽ đời thường phải đè nặng vào đôi vai người trai cả. Một lần ra thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) thăm gia đình người thân trong họ, bỗng căn bệnh hen của tôi bớt hẳn. Tôi quyết định ở lại đây vì thấy sức khỏe mình ngày một tốt hơn, rồi ra Nha Trang học ngành Anh ngữ".

Do ở trọ gần nhà Dung nên quen biết từ đó. Quen biết nhau rồi chúng tôi thương nhau từ độ ấy, nhưng cũng là lúc từng mảng tin xấu dồn dập ập đến. Những câu từ vô cùng nặng nề lê thê trút lên đầu như để “phá banh” tình yêu đôi lứa…

Giờ nghĩ lại thấy vẫn toát mồ hôi. Phía gia đình tôi, cha mẹ, các em và dòng họ vì đã quá kỳ vọng vào tôi, giờ nghe tin tôi yêu một cô gái khuyết tật… nỗi thất vọng ngày càng lớn. Tôi như rơi vào cơn u mê.

Còn gia đình Dung, những tin “không hay” cũng bay đến liên hồi ấn vào đầu 2 đứa. Dung bị “cấm cung” không được ra ngoài, họ hàng còn tìm đến sự nhờ cậy người có uy tín để khuyên nhủ Dung, thậm chí nhờ đến cả công an… Chúng tôi không bi quan, không nản lòng mà động viên nhau cố gắng kiên trì, nhẫn nại.

Anh Vũ chia sẻ thêm: “Sau này bình tĩnh nhận thấy gia đình Dung ngăn cản đều có ý tốt cả. Bởi không thể tin ngay con gái mình với đôi chân teo tóp như thế, đi lại vô cùng khó khăn…ai đâu mà yêu? Và chàng sinh viên kia có yêu con gái mình thật lòng không?”.

Bà Nguyễn Thị Sửu, hàng xóm với gia đình chị Dung ở đường Ngô Đức Kế (Nha Trang) nhớ lại: Ngày ấy thương bé Dung nhiều lắm, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng mà, bà con lối xóm biết Dung có người thương, người thì “vun vào”, người lại can ngăn… Tất cả đều bày tỏ tình thương với bé Dung.

Lặng thầm xây tổ ấm

Học xong đại học, anh Vũ xin vào làm ở một vài khách sạn tại Nha Trang. Từ những đồng lương ban đầu được tích cóp, chị Dung đi học may. Do sáng dạ, may giỏi, được cơ sở dạy may nhận hợp đồng.

Chị Nguyễn Thị Xuân Dung nhận bánh sinh nhật từ hai con gái. Ảnh: CÔNG THI

Chị Nguyễn Thị Xuân Dung nhận bánh sinh nhật từ hai con gái. Ảnh: CÔNG THI

Sau này, Dung được sự giúp đỡ của bạn bè mở tiệm may riêng. Khi đã có một khoản tiền, anh Vũ liền mò mẫm lên phường Ngọc Hiệp tìm mua miếng đất nhỏ sâu trong con hẻm. Vũ vừa đi làm, vừa lo các công việc như đổ đất nâng cao nền, mua vật liệu, tự thiết kế nhà…

Cuối cùng họ còn xây được “túp lều lý tưởng” cho “2 trái tim vàng” chung nhịp đập, bất chấp sự ngăn cản của đôi bên gia đình…

Tuy rào cản nhiều khó khăn nhưng bố mẹ vẫn vượt qua để đến với nhau, và có được 2 chị em con ra đời khỏe mạnh là biết bao tình yêu của bố mẹ dành trọn. Con thật hạnh phúc, trân trọng, và cũng ngưỡng mộ tình cảm của bố mẹ. Con hi vọng dù là trước đây hay sau này thì bố mẹ vẫn sẽ luôn cùng nắm tay nhau vui bình an... TRẦN MAI THẢO NGUYÊN (tên thường gọi Diamon lớn), con gái chị Dung chia sẻ.

Chị Dung chia sẻ: “Mừng lắm, có được “túp lều lý tưởng” tôi liền mua sắm những dụng cụ thiết yếu gia đình, đồ nấu ăn và bắt đầu nấu những món ăn mà cả hai đứa ưa thích. Bất ngờ một hôm nghe tin có người nhà anh Vũ tới thăm, tôi đoán chắc là để xem tôi khuyết tật như thế nào, đi lại ra sao và có làm được việc gì hay không?...

Tôi nhanh chóng bắt lấy cơ hội này liền “trổ tài” nấu nướng. Nhìn mâm cơm thịnh soạn, ăn thử… lần đầu tiên tôi được nghe “cũng đâu đến nỗi, nấu ăn cũng ngon như người bình thường mà…”. Tôi thở phào nhẹ nhõm và linh cảm từ đây chắc sẽ có tín hiệu vui, dù là “le lói”.

Chúng tôi quyết định tự làm đám cưới vào năm 2005. Anh Vũ lo đặt nhà hàng, in và gửi giấy mời dự kiến 250 khách, nhưng thực tế bạn bè đã tới gần 300 người. Đặc biệt, một niềm vui rất bất ngờ đến vô bờ, đó là tin cha mẹ anh Vũ từ Vũng Tàu sẽ ra tham dự.

Niềm vui chưa được lâu, cách lễ cưới khoảng 10 ngày, tôi lại bị ngã nứt xương chân gần đầu gối, thế là bao lâu nay gắng luyện tập, để mong ngày cưới đứng được bên anh Vũ, rốt cuộc lại vẫn phải ngồi xe lăn…

Dù sao với sự có mặt của cha mẹ bên chồng trong ngày cưới của chúng tôi là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Điều này đã minh chứng cho chúng tôi đến với nhau bằng một tình yêu chân chính. Tôi thầm nhủ, xin được “cảm ơn đời”, cảm ơn cha mẹ và tất cả…

Chị Nguyễn Thị Xuân Dung và hai con gái. Ảnh: CÔNG THI

Chị Nguyễn Thị Xuân Dung và hai con gái. Ảnh: CÔNG THI

Những người hàng xóm cho biết, thấy anh chị thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau rất chu đáo. Cảm động nhất là những lúc anh Vũ cõng vợ trên lưng, dắt tay các con mỗi khi đi chơi…

Một tổ ấm giàu lòng nhân ái

Gia đình tôi rất khâm phục và trân quý tình yêu đôi lứa chân thành của anh chị, một tình yêu đích thực và rất dung dị. Vì thế anh chị đã tạo dựng một tổ ấm giàu lòng nhân ái. Là người khuyết tật nhưng chị đã vượt lên chính mình hòa nhập cùng cộng đồng.

Thành quả là cho tới ngày nay anh chị có hai đứa con gái (Trần Mai Thảo Nguyên, học lớp 11 và Trần Mai Gia Nguyên, học lớp 8), chăm ngoan và luôn biết vâng lời cha mẹ, một câu chuyện tình và chuyện gia đình của anh chị như là cổ tích ngày nay.

Chị NGUYỄN THỊ LINH, người hàng xóm

CÔNG THI