Chuyện về một tộc người “nhỏ bé” ở Tây Bắc

Nguyễn Thị Hải Hà

Với số dân chưa đến 10.200 người, sinh sống chủ yếu ở tỉnh Sơn La, dân tộc La Ha là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Tuy “nhỏ bé” là vậy, nhưng người La Ha vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, từ kiến trúc, ẩm thực, trang phục, lễ hội cho đến các phong tục tập quán trong sinh hoạt hàng ngày.

Giao thoa văn hóa với nhiều dân tộc

Theo cuộc điều tra dân số năm 2019, dân tộc La Ha có tổng số dân là 10.157 người (trong đó, nam: 5.186 người, nữ: 4.971 người), cư trú chủ yếu tại tỉnh Sơn La (chiếm 98%) và một nhóm nhỏ ở tỉnh Lào Cai. Thời xa xưa, khu vực các xã Nậm Giôn, Liệp Tè, Nậm Ét, Mường Trai, Chiềng Lao… là địa bàn có đông người La Ha cư trú vẫn còn nhiều rừng rậm, canh tác chủ yếu là làm nương. Ngày nay, hầu hết bà con La Ha tập trung ở ba xã Nậm Giôn, Nậm Păm và Pi Toong thuộc huyện Mường La và xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

z4332207012460-adb698615773248d5799f87d9afc1b5b-1683777676.jpg
Trang phục của phụ nữ La Ha.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, người La Ha có mặt ở Tây Bắc còn trước cả người Thái. Thế nhưng, trong quá trình sống cộng cư, xen kẽ cùng với người Thái, nên người La Hay cũng bị “nhiễm” phần nào. Ví dụ như trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái, nhất là tiếng Thái đen để giao tiếp. Hệ quả là ngôn ngữ của người La Ha ngày càng có thêm nhiều từ vựng bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Thái. Ngoài ra, cũng chính vì sống xen kẽ và quan hệ hôn nhân, một số người La Ha còn biết cả tiếng H’Mông, Dao và tiếng Mường.

Bên cạnh ngôn ngữ, trang phục truyền thống của người La Ha cũng có nhiều nét tương đồng với người Thái. Phụ nữ La Ha thường mặc áo cóm có hàng khuy bạc, váy màu đen, có cạp và thắt lưng màu xanh. Họ đội khăn piêu có thêu hoa văn và búi tóc ngược lên đỉnh đầu khi đã lập gia đình, giống như phụ nữ Thái

Còn trang phục của nam giới La Ha khá đơn giản gồm áo cánh ngắn, quần lá tọa và khăn đội đầu, tất cả đều được nhuộm chàm. Trẻ em La Ha không có trang phục riêng. Trước đây, nữ giới La Ha còn đeo các loại trang sức như: Dây xà tích, hoa tai bạc, vòng cổ, vòng tay, trâm...

z4332206180746-6caa1561e682f75214dbc397bb778da8-1683777829.jpg
Chuẩn bị đồ tế lễ trong Lễ dâng hoa măng.

Tương tự như nhiều tộc người khác ở vùng miền núi phía bắc nước ta, đại bộ phận người La Ha vốn lấy canh tác nương rẫy làm sản xuất chính (trồng lúa nếp, sắn, ngô và bông), chỉ bộ phận nhỏ còn lại làm ruộng nước kết hợp với làm nương rẫy. Nghề đánh bắt cá, hái lượm cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế của đồng bào. Vào những năm cuối của thế kỷ 20, nghề dệt của đồng bào tương đối phát triển và có kỹ thuật khá tinh xảo.

Người La Ha có hai nhóm là La Ha Ủng - người La Ha ở nước (làm ruộng nước) và Khlá Phlạo hay La Ha Plạo - người La Ha ở cạn (làm nương rẫy). Song dù là nhóm nào thì cũng có một điểm chung là địa bàn cư trú của họ tương đối dốc và ở gần những nơi có nguồn nước.

Ông Lò Văn Bốn, 67 tuổi, ở bản Huổi Liếng (Nặm Păm, Mường La, Sơn La) chia sẻ, chính vì trân trọng và tôn kính thần Nước nên mỗi cụm dân cư của người La Ha đều có quy ước rất nghiêm ngặt đối với việc khai thác sử dụng các nguồn nước.

Ví dụ như có bản quy định: Khu vực nguồn nước không được chặt phá cây, kể cả các loại cây bụi nhỏ, nếu không sẽ vi phạm vào quy ước của bản và bị làng phạt tiền hoặc lao động công ích, hơn hết là mất uy tín của gia đình dòng họ với thôn bản. Đối với nguồn nước sạch phục vụ đời sống của người dân, thì khu vực rừng đầu nguồn nước không được khai phá, đốt nương. Các mảnh nương ở gần nguồn nước phải làm đường ranh giới khi đốt nương để phòng tránh việc cháy lan sang khu rừng đầu nguồn nước.

z4332207816556-8d93f91e877dd94f06fffcbe2b07eb1c-1683777856.jpg
Ông Lò Văn Bốn: “Giờ người La Ha ngoài làm nương rẫy đã biết cấy lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm để cải thiện cuộc sống”.

Cũng theo ông Bốn, người La Ha thường ở nhà sàn, có hai cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà, một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình. Bên bếp lửa, người ta kiêng để quai nồi theo hướng hai cửa ra vào, vì đó là hướng đặt người chết trước khi đem chôn. Giữa nhà là gian thờ tổ tiên, nhìn cũng như gian “hoóng” của người Thái, nhưng đơn giản hơn. Nơi này cũng không ai được phép bước vào, dù là để quét dọn, nếu không phải ngày cúng kỵ.

Tuy là dân tộc ít người, lại sinh sống nơi núi cao rừng thẳm, song người La Ha có tư tưởng về hôn nhân gia đình khá hiện đại. Trai gái của dân tộc này được tự do tìm hiểu nhau, không bị cha mẹ ép buộc cưới gả. Để tỏ tình, chàng trai phải đến nhà cô gái và dùng sáo, nhị, lời hát trước khi trò chuyện bình thường.

Sau lễ dạm hỏi, nếu nhà gái không trả lại trầu do bà mối của nhà trai đưa tới, thì chàng trai tổ chức lễ xin ở rể. Chàng trai phải ở rể từ 4 đến 8 năm. Hết hạn đó, lễ cưới được tiến hành. Sau lễ cưới này, cô dâu được đón về nhà chồng, đổi họ theo họ chồng và không được quay về ở với bố mẹ đẻ nữa, dù chồng chết.

Giữ gìn được nhiều nét văn hóa đặc sắc

Dẫu bị ảnh hưởng không ít trong quá trình sống cộng cư, song người La Ha vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc riêng biệt. Điều đó được thể hiện rất rõ nét qua các lễ hội. Mỗi lễ hội của dân tộc này không chỉ thể thiện tín ngưỡng thờ cúng, bày tỏ lòng biết ơn với ông bà tổ tiên của họ, mà còn làm đa dạng thêm cho bức tranh văn hóa dân tộc bằng những nét chấm phá, hấp dẫn, độc đáo rất riêng biệt.

Trong các lễ hội của người La Ha, đặc biệt nhất phải nói đến Lễ hội dâng hoa măng, diễn ra trước mỗi ngày rằm của ba tháng đầu năm. Đây là dịp để đồng bào cảm tạ, tri ân thần linh cũng như các thầy lang, vì đã có công chăm lo cho sức khỏe của cộng đồng, đồng thời bày tỏ ước muốn về sự phát triển, trường tồn của nòi giống; cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, may mắn.

Theo lời người già La Ha, lễ hội này được hình thành từ hàng trăm năm trước và cũng bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Cũng bởi xưa kia, cuộc sống của người La Ha vô cùng khó khăn, vất vả, quanh năm bị đói nghèo đeo bám. Rồi mỗi khi đổ bệnh, từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng, đồng bào chỉ biết trông cậy vào thầy lang. Bài thuốc của các thầy chủ yếu được thu hái từ rừng, trong đó có hai loại cây là cây măng vầu đắng và cây mạ rế. Mùa xuân cũng là mùa cây măng vầu đắng đội đất mọc lên và cây mạ rế bắt đầu nở hoa vàng đỏ. Đó là lúc các thầy lang lội rừng bất kể ngày đêm đi thu hái hai loại “kỳ hoa dị thảo” này về chế thuốc.

“Chính vì muốn tỏ lòng cảm tạ, tri ân các thầy lang đã có công vì sức khỏe cộng đồng, thế nên người La Ha mới có phong tục tổ chức Lễ hội dâng hoa măng. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp các thầy lang ngồi lại, trao đổi kinh nghiệm khám chữa bệnh, rồi truyền lại cho dân bản, giúp đồng bào hiểu biết hơn, từ đó biết cách phòng bệnh cho mình, cũng như người thân trong gia đình, dòng họ. Và do Lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới, nên việc nương rẫy chưa nhiều, bà con bản dưới mường trên có điều kiện gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa dân tộc và tiếp nhận nền văn hóa các dân tộc anh em khác trên địa bàn”, ông Lò Văn Bốn chia sẻ.

Cũng theo ông Bốn, Lễ hội dâng hoa măng gồm có hai phần: Phần lễ và phần hội. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, các phần lễ và hội vẫn tồn tại và gần như được giữ nguyên cho đến ngày nay. Trong đó, phần lễ là để cảm tạ trời đất, tổ tiên, sông núi luôn phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra; còn phần hội thì sôi nổi, vui vẻ. Tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng về cơ bản lễ hội vẫn thể hiện được những nét phong tục, văn hóa, tín ngưỡng rất riêng biệt, khác hẳn với lễ hội của các dân tộc anh em khác trên địa bàn.

Phần lễ của Lễ hội dâng hoa măng thường diễn ra tại nhà của thầy lang. Lễ vật cúng thần linh cũng rất phong phú. Đó là các loại con vật sống, các loại hoa rừng trang trí và các dụng cụ cần thiết khác như cây móc, cây chuối rừng để dựng cây nêu cúng giữa nhà, gạo và trứng gà…

Khi bắt đầu vào cúng mời các thần, người phụ lễ thổi pí-sên, một loại sáo cúng, để hòa quyện với lời hát cúng, cho lời hát mau đến với các vị thần, để họ che chở cho người La Ha được trường tồn, có sức mạnh như Thần Hổ - chúa Sơn Lâm để thắng mọi dã thú.

Sau phần lễ là phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian và biểu diễn văn hóa văn nghệ. Trong đó đặc biệt phải kể đến các màn múa hát. Trai gái trong bản sẽ đứng sắp hàng quanh hai bên cây nêu và trình diễn các điệu múa cổ truyền của người La Ha như múa “tăng bu”, múa cày bừa, cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống và cuối cùng là điệu múa “A sừng lừng” - một điệu múa độc đáo mang nét văn hóa phồn thực...

Trong vài năm trở lại đây, Lễ hội dâng hoa măng dần trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nó không chỉ thu hút người La Ha, mà còn có sự tham dự của nhiều dân tộc anh em khác. Có những buổi lễ mà số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người đến từ nhiều xã, bản trong vùng. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi các kinh nghiệm quý báu về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống chứ không riêng gì sức khỏe. Đây là nét văn hóa truyền thống độc đáo, là di sản văn hóa phi vật thể cần được nghiên cứu, lưu giữ và giới thiệu rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.