Chuyện nghề: Nặng lòng hai chữ "nhân văn"

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Với chức năng thông tin, phản biện xã hội, mỗi tác phẩm báo chí được xuất bản có vai trò rất quan trọng trong việc làm thay đổi số phận những người yếu thế, giúp họ tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm" để có thêm hy vọng sống.

nb-q-okc-1655713946061-1655770064.jpg

Nhà báo Quốc Cường (bên trái) đã góp phần giúp ông Hàn Đức Long "giải được nỗi oan khiên".

Tháng 4/2022, sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội báo toàn quốc với chủ đề "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn" đã được diễn ra. Trong ngày vui chung của những người cầm bút, hai chữ "Nhân văn" đã được đặt ra, như một "chỉ dấu" định vị cho lý tưởng, mục đích cao quý phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước và nhân dân của báo chí.

Lựa chọn đồng hành cùng người yếu thế

Ngày 20/12/2016. Căn nhà nhỏ tại xóm Yên Lý, xã Phúc Sơn (Tân Yên, Bắc Giang) bỗng trở nên rộn ràng hơn hẳn bình thường. Hôm nay, sau hơn 11 năm ngồi tù và bốn lần bị tuyên án tử hình, ông Hàn Đức Long đã chính thức được "giải mọi nỗi oan khiên" để trở về với cuộc sống bình thường.

Bên cạnh vai trò tích cực của các luật sư, ít người biết, trong hành trình đi tìm công lý cho người cựu tử tù ấy còn có sự nhập cuộc rốt ráo của các nhà báo mảng pháp luật - nội chính. Nhà báo Phạm Quốc Cường - hiện là Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus là người được ông Hàn Đức Long và vợ nhắc đến rất nhiều trong ngày trở về đoàn tụ.

Nhớ lại vụ án từng gây xôn xao dư luận này, nhà báo Quốc Cường kể: "Ngày 26/5/2005, ở thôn Yên Lý, một bé gái 5 tuổi bỗng dưng mất tích bí ẩn. Không lâu sau, người dân phát hiện thi thể cháu tại mương nước ngoài cánh đồng và trình báo cơ quan chức năng. Ông Long nhanh chóng bị "quy" là kẻ gây ra vụ việc. Cũng từ đây, hành trình giải oan của người đàn ông ấy chính thức bắt đầu".

Mặc dù không đủ chứng cứ để buộc tội, nhưng trong suốt 11 năm 2 tháng và 2 ngày ngồi tù, ông Long vẫn bốn lần bị tuyên án tử. Không chấp nhận điều này, bà Nguyễn Thị Mai - vợ ông đã ròng rã "đội đơn", gõ cửa từng cơ quan chức năng nhưng đều không nhận được sự hồi đáp.

Trong cơn cùng quẫn tột cùng, bà Mai tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật có địa chỉ tại số 9 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Ngay từ ngày đầu cầm trên tay hồ sơ vụ việc, các luật sư đã nhận rõ những dấu hiệu oan sai trong vụ kỳ án Hàn Đức Long nên đã bắt tay vào cuộc.

Cũng vào thời điểm này, nhà báo Quốc Cường - khi đó đang công tác tại báo điện tử cũng tiếp cận vụ việc và có bài viết đầu tiên: Thêm một người vợ "đội đơn" lên VKSND Tối cao kêu oan cho tử tù. Sau khi đăng tải, bài báo đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Để đi sâu vào vụ việc, nhà báo Quốc Cường trực tiếp cùng các luật sư xuống lại hiện trường vụ án, đồng thời mở rộng góc nhìn dựa trên các phân tích pháp lý của các nhà làm luật.

"Chúng tôi nhận thấy tất cả các biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định cũng như tang chứng, vật chứng đều không liên quan đến ông Long. Điều này càng khiến cho tôi vững tin và quyết tâm hơn. Tôi nhiều lần về Bắc Giang, gặp gỡ, trao đổi với bà Mai vợ ông Long để có thêm thông tin cũng như cái nhìn đa chiều về một vụ việc đã trôi qua rất nhiều năm", cựu phóng viên báo nhớ lại.

Trong vòng ba năm tiếp theo, hàng chục bài báo về "kỳ án" Hàn Đức Long đã được xuất bản trên báo điện tử , kéo theo sự vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị truyền thông lớn khác. Cùng với nỗ lực không mệt mỏi các luật sư, tối 20/12/2016, "tử tù" Hàn Đức Long đã được tại ngoại. Gần một năm sau, Tòa án nhân dân cấp cao cũng đã chính thức đưa ra lời kết luận, kết thúc hành trình 11 năm đi tìm "ánh sáng cuối đường hầm" của ông Long.

Trong ngày "thoát án tử", ông Long viết: Tôi là tử tù Hàn Đức Long, sau 11 năm hai tháng hai ngày với bốn bản án tử hình, đến nay, tôi đã được trả tự do. Tôi và gia đình vô cùng cảm ơn các luật sư, các phóng viên báo đài, đặc biệt là các luật sư ở Trung tâm tư vấn pháp lý - Liên đoàn luật sư Việt Nam cùng nhà báo Phạm Quốc Cường đã tâm huyết, giúp đỡ để vụ án kết thúc".

Không chỉ dừng lại ở kỳ án Hàn Đức Long, tới đầu tháng 3/2019, nhà báo Quốc Cường cùng ba đồng nghiệp tại tòa soạn Pháp luật Plus tiếp tục đồng hành để đưa ba cụ ông bị hàm oan tại Vĩnh Phúc về với tự do đời thường".

Nhà báo Phạm Quốc Cường cho hay: "Nếu một lần nữa được lựa chọn, tôi sẽ vẫn quyết đứng về phía những người yếu thế. Báo chí, với tư cách phản biện xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc làm thay đổi số phận của những người yếu thế, giúp họ tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm" để có thêm hy vọng sống".

Những nghĩa tình đằng sau trang viết

Cũng giống như nhà báo Phạm Quốc Cường, trong nhiều năm qua, các thế hệ phóng viên, biên tập viên của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn trăn trở và nặng lòng với ý nghĩa nhân văn của nghề. Nhiều chương trình đã trở thành cây cầu kết nối, thật sự làm thay đổi cuộc sống của những người yếu thế.

Đó là câu chuyện của nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên và các đồng nghiệp tại VTV với "Như chưa hề có cuộc chia ly" – chương trình khiến hàng triệu người xem rung động bởi giá trị hàn gắn của mình. Sự tận tụy và tử tế của cả ekip đã chinh phục ngay cả những người khó tính nhất. Kể từ khi ra đời vào năm 2007 đến nay, chương trình đã tìm kiếm, giúp đỡ cho hơn 1.800 trường hợp có cơ hội được đoàn tụ với người thân và gia đình. Với nhà báo Thu Uyên, "Như chưa hề có cuộc chia ly" không chỉ là một chương trình truyền hình, lớn hơn thế, đó là một hoạt động xã hội, đại diện cho sự nhân văn của xã hội.

Đó là câu chuyện của những biên tập viên đầy lòng trắc ẩn của Cặp lá yêu thương. Với slogan: Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời, chương trình đã thực hiện sứ mệnh "viết tiếp ước mơ đi học" cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều địa phương của cả nước. Đặc biệt, những câu chuyện của các em nhỏ đã chạm đến trái tim của khán giả, thôi thúc họ hành động và trở thành rất nhiều "chiếc lá lành" cùng chung tay đùm bọc những "chiếc lá chưa lành" hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Đó còn là chuyện của nhà báo Hoàng Anh – Báo Đại biểu Nhân dân. Chị là sáng lập viên và điều phối viên dự án "Trao ôxy-Trao sự sống". Đây là một dự án thiện nguyện do các nhà báo, kiến trúc sư, họa sĩ, doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh tham gia với hơn 100 tình nguyện viên.

Trong thời khắc khó khăn nhất của các tỉnh miền nam, Dự án "Trao ôxy-Trao sự sống" đã cung cấp bình ôxy 40l cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung và chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, dự án sau đó giúp đỡ thêm được sáu tỉnh, thành phố khác tại miền Tây và Đông Nam Bộ.

Nhà báo Nguyễn Long - Trưởng đại diện văn phòng đại diện Báo Lao động khu vực Tây Bắc Bộ cho rằng: Bên cạnh việc thông tin, đấu tranh chống tiêu cực, báo chí còn có nhiệm vụ quan trọng để phát hiện, tôn vinh và lan tỏa các giá trị nhân văn.

"Đằng sau mỗi trang báo, thước phim là số phận của rất nhiều người. Đứng về phía những người yếu thế, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội là một nghĩa vụ cao cả của báo chí. Trong hành trình ấy, các nhà báo gặp không ít trở ngại, khó khăn… Nhưng chính những thử thách ấy khiến mỗi bài báo càng có sức thuyết phục hơn, được bạn đọc tin cậy hơn, đáng trân trọng hơn. Và chính hành trình dấn thân, đồng hành cùng những người yếu thế là niềm hạnh phúc của người làm báo", nhà báo Nguyễn Long bày tỏ quan điểm.