Người dân trong vùng vẫn thường gọi bà với cái tên thân thương mệ Tuyết. Quầy bán hương (hay còn gọi là nhang) và quà lưu niệm của mệ ở dọc đường Huyền Trân Công chúa lúc nào cũng đông đúc du khách. Đây là tuyến đường kết nối các điểm tham quan nổi tiếng như chùa Từ Hiếu, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, đồi Vọng Cảnh…
10 năm đồng hành
Mệ Tuyết đã bước qua tuổi 72, dáng người nhỏ nhắn, da ngăm đen, miệng móm nhưng lúc nào cũng nở nụ cười tươi và thân thiện. Mỗi khi có khách ghé đến quầy bán hương, mệ hồ hởi mời chào: “Vào đây chụp ảnh đi con, quán của mệ chụp ảnh miễn phí”. Ở phía bên góc quán, mệ Tuyết còn chuẩn bị thêm những chiếc ghế ngồi để khách dừng chân nghỉ ngơi. Nhiều bạn trẻ mới đến chụp hình, mệ nhiệt tình xòe các bó chân hương đầy màu sắc xanh - đỏ - vàng - tím… để tạo hình ảnh đẹp cho khung hình.
Rồi nhiều đoàn khách đến trải nghiệm làm hương, mua hương và các mặt hàng lưu niệm, mệ Tuyết lại vui mừng vì có thêm thu nhập, cũng là có thêm các món quà cho các bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Ung bướu, Trung tâm Nhi của Bệnh viện Trung ương Huế. Đó là câu chuyện bắt đầu từ gần 10 năm trước, khi một lần bà Tôn Nữ Ánh Tuyết vào bệnh viện để thăm người bạn bị ung thư và gặp một cháu nhỏ 5 tuổi đã bị ung thư võng mạc. Nhìn cháu một mắt sưng tấy, một mắt không còn, bà buồn theo. Lúc đó, mệ Tuyết dồn hết hơn 100.000 đồng có được để gửi thăm bạn, nhưng người bạn ấy lại có tâm nguyện dành lại số tiền đó cho đứa trẻ tội nghiệp kia. Từ đó, khi trở về nhà, mệ Tuyết quyết định sẽ dồn nhiều thời gian, công sức để quảng bá và bán được nhiều hương hơn nữa, qua đó lấy tiền lãi tích cóp để trao tặng, mua quà cho các trẻ nhỏ đang điều trị ung thư tại bệnh viện.
Gần 10 năm, đều đặn gần như tháng nào mệ Tuyết cũng có 1-2 lần vào thăm và tặng quà cho các bệnh nhi khó khăn. “Quà của mệ với mỗi bì thư chỉ 100.000 đồng, kèm theo bánh kẹo để thăm các cháu. Dù nó không giá trị với nhiều người, nhưng cũng giúp cho những hoàn cảnh khó khăn khi điều trị lâu dài. Mỗi tháng tui cũng cố gắng tiết kiệm, dành dụm cho được 70 suất quà cho các cháu”, mệ Tuyết cho biết.
Với những trường hợp éo le hơn, mệ Tuyết không đủ nguồn lực tài chính thì bà vận động những người dân, các mạnh thường quân để có mức hỗ trợ phù hợp. Nhiều gia đình, nhiều đứa trẻ ở bệnh viện đã xem mệ Tuyết như người mẹ thứ hai. Vừa kể chuyện chuẩn bị quà cho chuyến thăm sắp tới, mệ Tuyết bỗng ngân ngấn nước mắt nhớ lại câu chuyện của những đứa trẻ không may mắn mà bà đã tiếp xúc. Mỗi lần nghe tin buồn về một bệnh nhi qua đời là lòng mệ Tuyết lại đau nhói. Đó là câu chuyện về bệnh nhi Hoàng Long N (11 tuổi, quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình) mắc bệnh ung thư xương, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mệ Tuyết nắm được thông tin nên đã đồng hành hỗ trợ cho cháu 1 triệu đồng/tháng, đồng thời mệ còn kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ để làm đôi chân giả cho cháu N. Khi công việc bắt đầu thực hiện thì đầu năm 2022, mệ Tuyết nhận được tin cháu N đã mất.
Lan tỏa trong cộng đồng
Vừa dành dụm tiền lãi từ bán hương, vừa kêu gọi sự hỗ trợ của những người quen để giúp đỡ trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, nên mệ Tuyết rất ý thức và kỹ lưỡng. Mệ cho chúng tôi xem cả cuốn sổ “nhật ký thiện nguyện”, với những thông tin được ghi chép rất cẩn thận, với tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của những người ủng hộ cho đến những đợt thăm nom, tặng quà cho các cháu ở bệnh viện. Mệ Tuyết nhẩm tính, mỗi tháng bản thân và sự hỗ trợ của các cá nhân khác, ngoài mua quà bánh kẹo sữa thì cũng chuẩn bị được 15-20 triệu đồng tiền mặt để tặng cho các cháu.
Hoạt động thiện nguyện của mệ nhiều năm qua đã được các bạn trẻ biết đến, nhiều bạn đang là sinh viên ở các Trường Du lịch - Đại học Huế, Đại học Y dược Huế… cũng tình nguyện “gánh vác” một phần việc nhỏ trong các đợt thăm hỏi, thiện nguyện của mệ Tuyết tại bệnh viện.
Bác sĩ CKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Nhiều năm qua, cứ đều đặn hằng tháng, mệ Tuyết lại mang theo bánh kẹo, sữa và phong thư bỏ quà cho các cháu đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Trung tâm Nhi khoa (với 100.000 đồng/cháu). Với các trường hợp khác có hoàn cảnh quá khó khăn thì mệ dành cho quà nhiều hơn. Mỗi lần đến bệnh viện, mệ Tuyết đều liên lạc với bộ phận công tác xã hội của bệnh viện để hỗ trợ mang quà giúp. Hành động thiện nguyện của mệ Tuyết đã lan tỏa tinh thần tương thân tương ái và lối sống đẹp trong cộng đồng.
“Mong sao trời thương để mệ có sức khỏe mà tiếp tục hành trình này lâu dài. Cuộc sống là cho đi chứ đừng bao giờ nghĩ mình phải nhận lại”, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết nói trong niềm hạnh phúc.