Ghi nhận của báo Lao Động, mới đây, Công ty TNHH Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã công bố tiền thưởng Tết cho người lao động. Đây là công ty gia công giày da có trên 15.000 công nhân, một trong những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất huyện Nhơn Trạch.
Để động viên công nhân, lao động đã cố gắng làm việc trong suốt thời gian qua, Ban Giám đốc công ty quyết định thưởng 1 tháng lương dịp Tết. Ngoài ra, công ty và công đoàn còn tặng quà cho người lao động, lao động mang thai, tổ chức chương trình rút thăm trúng thường ngày đi làm đầu năm.
Ông Trần Võ Công Nhật, Quản đốc xưởng Thành phẩm, Công ty Cổ phần In số 7 (Tp.HCM) cũng thông tin, mọi năm công ty chỉ thông báo chung về việc thưởng Tết. Nhưng năm nay, đã công khai sớm mức thưởng Tết chi tiết tới công nhân. Cụ thể, công nhân được thưởng Tết bằng 3 tháng lương thực lĩnh. Biết được thông tin này, nhiều công nhân vui mừng và yên tâm làm việc bởi đã có một khoản chi tiêu dịp cuối năm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm và mong muốn có mức thưởng xứng đáng để động viên, hỗ trợ người lao động trong những tháng cuối năm. Về mức thưởng, theo quan điểm của tôi, năm nay có thể cao hơn so với năm trước”.
Theo ông Trung, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm ngành dịch vụ, xây dựng… phát triển, có lợi nhuận cao hơn chắc chắn thưởng Tết sẽ cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự trong thời gian qua do giảm đơn hàng, họ rất băn khoăn, trăn trở về vấn đề này. Khi đó, người lao động cũng phải hết sức chia sẻ với doanh nghiệp bởi các đơn vị này đang nỗ lực giữ việc làm cho người lao động.
“Tiền thưởng dịp cuối năm rất nhân văn, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho người lao động. Người lao động mong muốn thưởng nhiều. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của từng doanh nghiệp thực hiện thưởng cho người lao động cho phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, ngoài tiền, thưởng cho người lao động có thể bằng hiện vật”, ông Trung nói.
Để việc thưởng bằng hiện vật có ý nghĩa, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho rằng, doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến người lao động thông qua tổ chức Công đoàn cơ sở về việc thưởng bằng hiện vật. Từ đó, khi người lao động nhận phần quà Tết bằng hiện vật của công ty sẽ thiết thực, ý nghĩa hơn.
Cũng liên quan đến chuyện thưởng Tết, ông Đinh Văn Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn Polyco chia sẻ với VOV: “Tết là thời gian cho gia đình và bản thân để đánh giá một năm đã trôi qua. Thời gian này rất ý nghĩa cho các thành viên của công ty. Vì vậy, chính sách của tập đoàn là luôn cố gắng để có thể thưởng Tết cho anh em được tốt nhất. Vì ai cũng muốn có một cái Tết sum vầy, đầy đủ. Để làm được điều này, doanh nghiệp chúng tôi cần phải cân đối về dòng tiền, kiểm soát việc tồn kho, cố gắng tăng doanh thu, giảm chi phí hoạt động không cần thiết. Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi cho anh em”.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp của ngành dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu năm nay có thể là hòa vốn nhưng phải giữ được ổn định và phát triển của doanh nghiệp để giữ người lao động và giữ được thị trường, khách hàng, đấy là mục tiêu số một.
Thứ hai là doanh nghiệp cũng bắt đầu thắt hầu bao, kiểm soát mọi khoản chi phí đầu vào của doanh nghiệp để hạn chế tối đa tăng chi phí tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp. Điều quan trọng nhất, làm sao đó vẫn có một phần lợi nhuận để lo lương thưởng tháng 13 cho người lao động. Có như vậy chúng ta mới kỳ vọng cho sự ổn định của mục tiêu 2023 đặt ra cho ngành dệt may Việt Nam”.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhằm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2023, Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch 266. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương... thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người chi bằng tiền mặt...
Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH mới đây cũng yêu cầu các Sở LĐTBXH trên cả nước thực hiện chính sách tiền lương và thưởng Tết cho người lao động.
Theo đó, Bộ này giao lãnh đạo các Sở chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động. Từ đó, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Bộ cũng yêu cầu các Sở LĐTBXH cần hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động. Chẳng hạn như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định...
Theo Người Đưa Tin