Ông Phạm Quốc Chử, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Nam Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), hiện là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Tiền Hải nói với tôi: Ở Hội Cựu giáo chức huyện Tiền Hải hiện có hàng chục hội viên không có lương hưu. Đó là chưa kể có rất nhiều người từng có 30-40 năm gắn bó với ngành giáo dục, cũng gọi là về hưu, nhưng thực tế họ không được hưởng bất cứ một chế độ, kể cả phụ cấp nào.
Được Hội Cựu giáo chức huyện Tiền Hải giới thiệu, tôi đã có dịp đến thăm và tặng quà một số người trong hoàn cảnh mà ông Phạm Quốc Chử chia sẻ.
Đến thăm bà Vũ Thị Nụ, một hội viên Hội Cựu giáo chức tại xã Nam Hải. Một mình bà Nụ sống trong căn nhà khoảng gần 10m2 không có thứ gì đáng gọi là tài sản, ngoài chiếc giường gỗ đã mọt. Gọi là căn nhà nhưng thực chất chỉ bằng một gian nhà nhỏ được xây dựng cạnh ngôi từ đường của dòng họ.
Theo lời kể của bà Nụ, bà từng có 34 năm là giáo viên mầm non. Khi còn công tác, do điều kiện cơ chế nên lương của bà được trả bằng thóc, mỗi năm được trả làm 2 đợt theo vụ lúa. Đến tuổi nghỉ hưu, bà phải nghỉ theo quy định, và khi nghỉ công tác thì thu nhập của bà bằng vài tạ thóc mỗi năm cũng bị cắt bỏ, do không được đóng bảo hiểm và không được hưởng các chế độ như những người giáo viên được biên chế và hưởng lương hàng tháng.
Nhận lẵng hoa và thiệp chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 từ chúng tôi, bà Nụ đã bật khóc: “Từ ngày nghỉ hưu, tôi chỉ biết loanh quanh đi giúp việc vặt cho hàng xóm, họ hàng, kiếm nhặt mớ rau, con cua… sống qua ngày. Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được nhận hoa và quà chúc mừng ngày 20/11 như thế này. Các anh nói chỉ có 500.000 đồng thôi, nhưng nó là số tiền rất lớn đấy…”.
Hoàn cảnh có vẻ đỡ “bi đát” hơn trường hợp bà Nụ, nhưng gia cảnh của hội viên Nguyễn Thị Thủy ở xã Nam Chính cũng khiến tôi không cầm được lòng khi đến thăm bà. Cũng từng là giáo viên có hơn 30 năm đến trường dìu dắt nhiều thế hệ học trò, cho đến lúc về hưu, bà Nguyễn Thị Thủy vẫn là một giáo viên chưa bao giờ được nhận lương bằng tiền mặt. Nghỉ hưu không có lương, bà Thủy lại bắt nhịp cuộc sống lao động của người nông dân nghèo, kiếm ăn từng bữa nuôi gia đình.
Bàn tay run run cầm tấm thiệp và lẵng hoa chúc mừng 20/11 từ chúng tôi, bà Thủy nghẹn ngào: “Không tin là tôi có được ơn phúc này, tôi vô cùng cảm động trước sự quan tâm của Ban chấp hành Hội cựu giáo chức và Nhà báo đã đến thăm và tặng quà tôi. Tôi không biết nói gì ngoài sự biết ơn đến Ban chấp hành Hội Cựu giáo chức và Nhà báo đã dành thời gian đến thăm, còn tặng cả hoa và tiền nữa”.
Đến thăm bà Phạm Thị Nhị, một hội viên cựu giáo chức ở xã Đông Xuyên, tôi càng thấy cuộc sống của nhiều người thật bất hạnh làm sao! Bà Nhị là một giáo viên không có chồng con, công tác đến lúc nghỉ hưu cũng rơi vào cảnh bi đát là không nhà, không tài sản. Bà Nhị hiện đang ở nhờ nhà của một người em. Mấy năm gần đây bà bị phát bệnh, nên phải có thêm người phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày, vì vậy cuộc sống của cá nhân bà thêm khó khăn hơn. Dường như không còn giao tiếp được, nhận được thiệp chúc mừng và lẵng hoa từ tay chúng tôi tặng, bà Nhị vội ôm chặt lẵng hoa vào người như để bày tỏ sự cảm ơn, xúc động mà bà chưa bao giờ có cảm giác vui đến vậy.
Tại xã Đông Hải, tôi được ông Phạm Quốc Chử dẫn đến thăm hội viên cựu giáo chức Vũ Văn Toản. Theo một người con ông Toản thì hiện nay ông Toản đã không còn khả năng giao tiếp do bị tai biến. Là một giáo viên Tiểu học, khi nghỉ hưu với mức lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, đến nay là khoảng 3 triệu đồng. Mặc dù có lương hưu, nhưng mức lương quá thấp ấy, bao nhiêu năm nay vẫn không thể giúp người cựu giáo chức này thoát nghèo.
Không còn khả năng tiếp xúc, mắt bị lòa, nhưng thấy tôi vừa đặt lẵng hoa xuống giường, ông Toản vội bật người ngồi dậy như một phép lạ khiến người con trai của ông phải sững sờ thốt lên: “Từ lâu bố tôi không thể tự ngồi dậy như vậy được”. Ông Toản không nói được, nhưng tôi hiểu từ trong suy nghĩ của ông đang muốn thốt lên với chúng tôi: “Tôi thật hạnh phúc!”
Thời gian có hạn, những lẵng hoa và thiệp chúc mừng 20/11 đã chuẩn bị tươm tất, nhưng tôi không thể đến thăm hỏi từng cựu giáo chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở huyện Tiền Hải. Những lẵng hoa và phần quà còn lại, tôi đành gửi gắm những lời chúc mừng các cựu giáo chức nghèo thông qua BCH Hội Cựu giáo chức huyện Tiền Hải. Tôi cũng chưa thể kể hết những cung bậc cảm xúc với bao nhiêu những cảm động, xót xa... muốn được chia sẻ với những hội viên cựu giáo chức khó khăn mà tôi đã đến thăm. Nhưng qua bài viết này, tôi muốn bày tỏ một ước muốn sao cho những người cựu giáo chức nghèo ở huyện Tiền Hải nói riêng, trên cả nước nói chung có thể được hạnh phúc hơn khi mỗi ngày 20/11 về! Đó là họ được nở nụ cười trước những bông hoa tươi, để họ có thể được động viên, được vui hơn khi nghĩ về nghề mà họ từng cống hiến. Hoặc sâu xa hơn nữa là nghĩ về những lớp học trò mà họ từng đưa “qua sông”, để họ thấy cuộc sống của mình chưa thật sự may mắn, nhưng các học trò của họ đã rất may mắn…
Ông Phạm Quốc Chử, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Tiền Hải cho biết, hiện nay Hội Cựu giáo chức mới chỉ có nguồn thu là hội phí từ các hội viên, và mỗi năm được UBND huyện phân bổ 10 triệu đồng. Nguồn thu đó có những năm không đủ để hỏi thăm hiếu, hỉ đối với các hội viên trong hội. Bởi chưa có một nguồn kinh phí hỗ trợ nào khác, nên việc tổ chức tặng quà, động viên hội viên ngày 20/11 hay các ngày lễ, tết... từ trước đến nay chưa bao giờ Hội làm được. Vậy nên, dù có muốn giúp đỡ, động viên các hội viên nghèo thì Ban chấp hành cũng lực bất tòng tâm.
Theo ông Chử, thực tế có nhiều giáo viên nghỉ hưu muốn được tham gia sinh hoạt Hội, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên không thể tham gia được. "Là những người từng có cống hiến thật sự cho ngành giáo dục, thậm chí họ đã dành cả cuộc đời để hi sinh và cống hiến, nay nghỉ việc không có thu nhập, họ thật sự cần được quan tâm để phần nào giảm bớt khó khăn"- ông Phạm Quốc Chử chia sẻ.