Chương trình tiểu học mới chưa chú trọng kỹ năng sống và giới tính

Tạp Chí Nhân Đạo
An toàn của trẻ, sự tham gia của trẻ trong công việc gia đình, cộng đồng, tiếng nói trẻ em... chưa được chương trình mới cấp tiểu học quan tâm.

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ bài viết góp ý kiến cho dự thảo chương trình các môn học, trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hơn chục năm trước, khi mang ý tưởng giáo dục giới tính cho trẻ tiểu học về Việt Nam, tôi nhận được sự phản ứng dữ dội của nhiều chuyên gia giáo dục tiểu học và sự thờ ơ của phụ huynh học sinh. Đến nay, khi nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc bỏ qua giáo dục giới tính, rèn luyện kỹ năng phòng tránh, ứng phó với xâm hại cho trẻ tiểu học, cha mẹ đã tìm kiếm khắp nơi chương trình giáo dục nội dung này để đưa con đến học.

Thiết nghĩ đã đến lúc nội dung giáo dục giới tính, kỹ năng sống đặc biệt quan trọng này được đưa vào chương trình giáo dục đại trà. Bởi lẽ sự tồn tại và an toàn của đứa trẻ quan trọng hơn hẳn việc chúng giỏi giang thế nào. Tuy nhiên, dự thảo chương trình các môn học phổ thông mới chưa chú trọng điều này. Có một số điểm hạn chế như sau:

Về giáo dục giới tính, chương trình mới dự kiến đưa kiến thức này vào giảng dạy một cách sơ lược nhất cho học sinh lớp 1, ở môn Tự nhiên và Xã hội. Đây là bước tiến vượt bậc khi nội dung vốn được coi là nhạy cảm nhưng vô cùng quan trọng đã được đề cập ngay từ những ngày đầu khi trẻ bước vào ngưỡng cửa trường tiểu học. 

Tuy nhiên, giáo dục giới tính chưa được thiết kế theo hệ thống có nâng cấp nội dung từ lớp 1 đến lớp 5. Nội dung này chỉ được tồn tại ở một lớp như lớp 1, trong chủ đề Con người và sức khỏe; ở lớp 5 trong môn Khoa học, các lớp 2-4 không được học giáo dục giới tính. Với một nội dung rộng lớn, việc chỉ đưa vào lớp 1, 5 có gây ra sự thiếu hụt, khiến trẻ không hình dung đầy đủ về kiến thức quan trọng này? Hoặc giả, có học sinh nào vì giới tính không được đề cập ở lớp 2-4 mà đi tìm hiểu ở các nguồn không chính thống, thậm chí nhạy cảm, thì dễ dẫn đến có những ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển của chính bé.

Nội dung ứng phó với xâm hại được đưa vào chương trình lớp 5, nhưng các số liệu trẻ Việt bị xâm hại cho thấy, không ít học sinh lớp dưới đã trở thành nạn nhân bị xâm hại. Vậy việc dạy từ lớp 5 có quá muộn so với nhu cầu thực tế? 

TS-Vu-Thu-Huong-8060-1517627465
TS Vũ Thu Hương hướng dẫn học sinh tiểu học thoát khỏi người lạ khống chế mình.

Chương trình mới cũng chưa có nội dung hướng dẫn trẻ cách xử lý các bệnh tật thường gặp như cảm cúm, ho, đi ngoài, các vết thương hở, vết bầm tím nhỏ. Trẻ em thường rất hiếu động nên dễ gặp phải những vấn đề nhỏ này. Nếu trẻ có kỹ năng xử lý, chắc chắn các em có thể đảm bảo sức khỏe của mình và có ý thức chăm sóc bản thân tốt hơn.Về giáo dục kỹ năng sống, tôi thật sự thất vọng khi chương trình mới chưa có nội dung ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, những hiểm nguy từ đuối nước, lũ lụt, bỏng, bắt cóc, lạc đường, bạo hành, bắt nạt, động đất… có nguy cơ xảy ra thường xuyên, trẻ lại không được hướng dẫn cách đảm bảo an toàn cho chính mình và kêu gọi cứu trợ. Rõ ràng sự an toàn của trẻ chưa được coi trọng trong dự thảo chương trình phổ thông tổng thể.

Dự thảo chương trình không có nội dung "không làm phiền người khác". Đây là một kỹ năng sống không thể thiếu trong đào tạo một con người. Sống giữa cộng đồng, mọi người đều phải có không gian riêng của nhau và không gian chung của cộng đồng. Việc làm phiền đến người khác, đôi khi có thể gây ra hậu quả lớn. Ngoài ra, việc thiếu hụt nội dung "không làm phiền người khác" có thể sẽ tạo dựng ra những con người vị kỷ, đề cao quá mức cái tôi bản thân mà quên đi ảnh hưởng đến những người xung quanh và cộng đồng dân cư.

Nội dung kỹ năng "tự xử lý các khủng hoảng của bản thân" cũng chưa được dự thảo chương trình đề cập. Đây là nội dung quan trọng giúp cho trẻ tránh được những hành động bột phát có thể gây nguy hại cho chính mình và cộng đồng khi trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Nói chung, khi đọc hết chương trình môn của cấp tiểu học, tôi chưa thấy nhiều điểm mới và những nội dung đáng lý nên được chú trọng như giáo dục giới tính, kỹ năng sống lại chưa được đầu tư. Các tác giả vẫn bó hẹp sự quan tâm của trẻ ở gia đình, nhà trường và nới một chút ra cộng đồng. Sự an toàn của trẻ chưa được quan tâm đúng mực; sự tham gia của trẻ đến các công việc của gia đình, cộng đồng vẫn mờ nhạt; tiếng nói của trẻ chưa được quan tâm rõ ràng...

Tất cả những điều này cho thấy, chương trình mới chỉ mang tính chỉnh sửa lại chương trình cũ chứ chưa có bố cục phù hợp với chủ trương giáo dục phát triển năng lực cho học sinh.

Vũ Thu Hương 

Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội

Theo VnExpress