Chung tay xây dựng “Hệ sinh thái” nhân ái tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM

Trần Đức Khải
Sau nhiều năm triển khai, đến nay “Hệ sinh thái” chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã qua một chặng đường dài. Nhìn lại khoảng thời gian đặc biệt đó, tập thể các y bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đều không khỏi bùi ngùi, xúc động và tự hào về những điều đã đạt được.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM (bệnh viện Nguyễn Tri Phương) hiện có khoảng 20% bệnh nhân là những người có hoàn cảnh khó khăn đến khám và điều trị. BSCKII Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ, với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau, không từ chối điều trị bất cứ bệnh nhân nào, nhất là bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”, trong suốt nhiều năm qua, bên cạnh việc phát triển và tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh thì các hoạt động nhân đạo cũng được bệnh viện đặc biệt chú trọng. Mỗi nhân viên y tế của Bệnh viện đều là một thành viên của Hội Chữ thập đỏ, đều nỗ lực hết mình với phương châm “sống có tình, đối xử tử tế và thật thân thiết với bệnh nhân, thân nhân, khách và giữa nhân viên với nhau”.

Hệ sinh thái chăm lo cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn (NBHCKK) của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương bắt đầu từ khi bệnh nhân nhâp viện cấp cứu. Cụ thể, khi nhập viện cấp cứu, người bệnh không mang tiền, người nhà chưa vào kịp, người vô gia cư được địa phương đưa vào, sẽ được tạm ứng 5 triệu đồng với “Quỹ Ứng trợ khẩn cấp 100 triệu đồng cho tình huống cấp cứu” thuộc Quỹ Tâm Nguyện Việt. NBHCKK có thể yên tâm nhập viện điều trị, bệnh viện cũng có thể đẩy nhanh các thủ tục và thực hiện một số xét nghiệm bên ngoài Bệnh viện (ví dụ: xét nghiệm tìm độc chất…)

z3716866011672-643547cee54088ed350032a2895e116d-1662993802.jpg
Mô hình hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại BV Nguyễn Tri Phương

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương còn kết nối với chương trình “Dĩa cơm trên tường” và bếp ăn tình thương để trao suất ăn cho bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2017 đến nay, chương trình “Dĩa cơm trên tường” đã hỗ trợ cho bệnh nhân và người thân 67.109 suất ăn với số tiền là 1.268.085.000 đồng. Lý giải về điều này, đại diện bệnh viện cho biết, thực tế, dinh dưỡng cũng là thuốc nên việc chăm lo cho những suất ăn của bệnh nhân và người nhà cũng sẽ có vai trò quyết định cho việc điều trị, khám chữa bệnh thành công. Người bệnh được bệnh viện chủ động chăm lo các suất ăn bệnh lý (suất ăn phù hợp với điều kiện bệnh lý của từng bệnh nhân) để bệnh nhân yên tâm theo đuổi quá trình điều trị một cách tốt nhất. Các suất ăn này được đảm bảo chất lượng bởi một công ty cung cấp suất ăn với 100% vốn của Đức.

Cũng nằm trong hệ sinh thái là hạng mục “Gian hàng chia sẻ yêu thương” với những sản phẩm quần áo, vật dụng… được vận động quyên góp và bán lại với giá chỉ từ 0 đồng. Với “Gian hàng chia sẻ yêu thương”, không chỉ các nhân viên y tế của bệnh viện mà bất cứ ai trong xã hội đều có thể là người cho đi, là người giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện.

z3716865978412-8761ad9ae2e485246466311ad7b2af17-1662993802.jpg
Bác sỹ CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (áo blouse trắng đứng giữa) trước gian hàng chia sẻ yêu thương.

“Gian hàng chia sẻ yêu thương” đã giúp kết nối những “tấm lòng vàng”, san sẻ bớt những nhọc nhằn, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn có thêm tấm áo, chiếc khăn, những vật dụng cần thiết cho cuộc sống,… Sự sẻ chia dù ít hay nhiều tùy khả năng của mỗi người đều đáng trân trọng và đều quý giá. Cùng sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Tình người Sài Gòn với mức 1 triệu đồng/người/tháng, các món hàng được bán ra với giá chỉ từ 0 đồng, 5 nghìn đồng, 10 nghìn đồng đã tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn có thể mua được những vật dụng cần thiết cho cuộc sống. Đồng thời góp phần tạo nên cảm xúc mua sắm cho những người này khi tự tay họ được chọn, được mua và trả tiền cho từng món hàng mà mình cần thiết. Doanh thu bán hàng của “Gian hàng yêu thương” từ năm 2020 đến nay là 278.371.000 đồng, cho thấy sự ủng hộ của người dân với chương trình ngày càng sâu, rộng.

z3716865988414-de7d529e3be5cd77d10fb6d4a6e8e26f-1662993802.jpg
Bên trong gian hàng chia sẻ yêu thương

Theo báo cáo số liệu từ Phòng Công tác Xã hội và Chữ Thập đỏ tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nằm trong hệ sinh thái có nhiều hạng mục hỗ trợ người bệnh khó khăn đến từ các tổ chức, cá nhân, nhóm thiện nguyện, các quỹ từ thiện như: Quỹ từ thiện Thành Ngọc; Quỹ Từ Tâm; Quỹ Tâm Nguyện Việt, Quỹ Tâm Nguyện Việt hỗ trợ khẩn cấp; Nhóm từ thiện Chia Sẻ (Sharing); Quỹ từ thiện Bông Sen với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Đáng ghi nhận có những cá nhân người nước ngoài như ông Yung Cam Meng từ năm 2020 đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng và còn rất nhiều các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã cùng chung tay xây dựng, góp một phần sức để hệ sinh thái phát triển bền vững, luôn luôn hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với những bệnh nhân không may mắn, không thể hồi phục và trở về với gia đình vì những căn bệnh quái ác hoặc gặp phải những tai nạn đặc biệt nghiêm trọng,… các trường hợp này cũng được chương trình “Chuyến xe nghĩa tình” sắp xếp xe chuyên dùng đưa về tận nhà dù vị trí địa lý có xa xôi trắc trở đến đâu. Hoạt động này như một sự đồng cảm, chia sẻ mất mát với người thân của những người bệnh không may mắn, thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc,… Mặc dù không quen không biết nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, tập thể các y bác sĩ, nhân viên y tế, người lao động tại bệnh viện đều muốn chung tay đưa tiễn những người bệnh không may mắn này một đoạn cuối để trở về với gia đình, về với những người thân yêu. Tính từ năm 2016 đến nay đã có gần 5000 chuyến xe nghĩa tình được thực hiện tại bệnh viện.

z3716865983015-23ccb65699b9a52146f98451faae9a63-1662993802.jpg
Chương trình chuyến xe nghĩa tình đang thực hiện nhiệm vụ.

Từ thiện vốn được coi là hành động đẹp, một việc làm tử tế, thể hiện truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam, mang lại những tác động tích cực cả về vật chất và tinh thần đối với cả người cho đi lẫn người nhận. Có thể thấy mô hình Hệ sinh thái hỗ trợ bệnh nhân khó khăn tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã và đang triển khai đã phát huy sâu sắc các giá trị nhân văn, nhân đạo trong đời sống xã hội, là nét đẹp cần được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trong xã hội.

Quốc Tiến