Qua nghe báo cáo của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và đại diện bà con người Việt tại Lào, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có cộng đồng người Việt ở Lào nói riêng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ vấn đề quan tâm hiện nay là các thiết chế văn hoá, dạy tiếng Việt, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện, nhất là với cộng đồng người Việt Nam tại Lào rất đông, lên đến 100.000 người".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam cũng như đóng góp cho nước bạn Lào, vun xới và ngày càng phát huy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang mở nhiều lớp học tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên của Lào. Ngoài tôn vinh tiếng Việt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán cần có các hoạt động quảng bá tiếng Việt. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã luôn yêu thương, đùm bọc nhau, vừa luôn gắn bó và có nhiều đóng góp thiết thực đối với Lào vừa luôn thiết tha hướng về quê hương, đất nước.
Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng cộng đồng người Việt tại Lào đã “chung lưng đấu cật” với nhân dân Lào anh em, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và cộng đồng người Việt tại Lào đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, củng cố và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông báo tới bà con một số nét chính về tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước và những quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, khoá XIII vừa qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Lào có mối quan hệ có một không hai trên thế giới, là di sản vô giá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Năm 2022, hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản vô giá này để kỷ niệm 100 năm hay mãi mãi về sau, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc vẫn ngày càng bền chặt. Đó là nguyên tắc bất biến”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, mỗi người Việt tại Lào, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào phải là một sứ giả trong việc gìn giữ, không ngừng phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào Nguyễn Duy Trung đã nêu một số kiến nghị, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam tại Lào như hợp tác lao động; tăng số lượng học bổng hằng năm để có nhiều hơn các em học sinh là thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam tại Lào về nước học tập; tạo điều kiện để người Việt Nam tại Lào được khám, chữa bệnh ở trong nước…
Ghi nhận các kiến nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cho rằng, cần nghiên cứu vấn đề hợp tác lao động giữa hai nước bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào cũng đang thiếu lao động. Liên quan đến vấn đề tăng số lượng học bổng do chính phủ cung cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố của Việt Nam nghiên cứu, hỗ trợ cấp học bổng cho học sinh Lào và học sinh là con em người Lào gốc Việt. Đây chính là hoạt động thiết thực để tăng cường, phát huy tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nước.
Về đề xuất khám, chữa bệnh như công dân trong nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội để nghiên cứu hướng xử lý phù hợp.