Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay, 8/12, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8-9/12.
Sáng nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đã tiến hành hội đàm.
Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher và các Thượng nghị sĩ Pháp thăm chính thức Việt Nam; nhấn mạnh, đây là hoạt động đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Pháp kể từ khi hai nước bắt đầu nối lại các hoạt động trao đổi trực tiếp sau đại dịch COVID-19, là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa cơ quan lập pháp hai nước. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, một trong những cường quốc hàng đầu ở châu Âu, có vai trò quan trọng ở khu vực và trên trường quốc tế; mong muốn làm sâu sắc và thực chất hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trên tất cả các kênh chính đảng, Quốc hội/Nghị viện, Chính phủ, hợp tác địa phương và giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ, hợp tác nghị viện giữa hai nước đã được thiết lập trong khuôn khổ một Thỏa thuận hợp tác giữa hai cơ quan được ký từ năm 2003. Cơ quan lập pháp hai nước đã trao đổi thường xuyên trong nhiều lĩnh vực và hiện nay có thể tăng cường hơn nữa đối với các lĩnh vực như: năng lượng, y tế, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Pháp thông qua tăng cường trao đổi tiếp xúc với nhiều hình thức; tăng cường hơn nữa hợp tác trong trao đổi chiến lược theo cơ chế phù hợp; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác chuyên ngành đã ký; tiếp tục thúc đẩy các nội dung, lĩnh vực mới như về hợp tác trao đổi và bảo vệ thông tin mật, nghiên cứu về bệnh nhiệt đới, các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống, chuyển đổi số...
Đánh giá cao vai trò của Pháp trong triển khai Hiệp định Paris về chống biển đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ cắt giảm khí thải về Zero carbon, do đó, mong muốn tăng cường hợp tác với Pháp để thực hiện các mục tiêu này.
Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng hai nước cần tập trung thúc đẩy, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nước chưa thực sự phát huy được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Việt Nam mong muốn Pháp gỡ bỏ các rào cản thương mại để tăng cường trao đổi thương mại thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới; khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Pháp sớm phê duyệt Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU; ủng hộ, thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ thẻ vàng IUU với Việt Nam.
Thượng viện Pháp mong ký Thỏa thuận hợp tác mới với Quốc hội Việt Nam
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp, tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các dự án hợp tác giữa hai nước, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 3, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. Quốc hội Việt Nam dự kiến cũng sẽ giám sát tối cao các dự án đầu tư công và đầu tư ODA để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Chủ tịch Thượng viện Pháp mong muốn, năm 2023, đoạn trên cao của tuyến Metro số 3 sẽ được đưa vào vận hành để phục vụ người dân vì đây cũng là biểu tượng về công nghệ, về kỹ thuật của Pháp.
Đề cập đến công trình cầu Long Biên - một biểu tượng của quan hệ Việt - Pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết Hà Nội rất mong muốn cải tạo cây cầu này trở thành cầu đi bộ, một không gian văn hóa; đề nghị phía Pháp nghiên cứu, hợp tác và hỗ trợ thực hiện ý tưởng này.
Nhất trí với đề xuất này, Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, cầu Long Biên cũng là một hình ảnh biểu tượng cho mong muốn của cả hai bên vượt qua những thăng trầm của lịch sử để xây dựng tương lai. Phía Pháp đã có chủ trương hợp tác với Việt Nam để tôn tạo di sản này từ rất lâu và bây giờ cần phải cụ thể hóa để thực hiện.
Về hợp tác đa phương, hai Chủ tịch thống nhất cao về việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới để Pháp và Việt Nam cùng có vai trò mạnh mẽ hơn trong quyết định các vấn đề khu vực và thế giới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Thượng viện Pháp mong muốn được đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Pháp để Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp có thể xem xét cụ thể hóa một thỏa thuận hợp tác mới; khẳng định, cho đến thời điểm đó, Thượng viện Pháp sẵn sàng trao đổi với Quốc hội Việt Nam về các chủ đề ưu tiên mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập như: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng...
Trân trọng cảm ơn lời mời của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng trong thời gian sớm nhất sẽ thăm chính thức Pháp.