Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Nghệ An.
Mộ và nhà thờ Hồ Phi Tích là nơi lưu giữ hài cốt và thờ phụng tưởng niệm Hoàng giáp Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích và hậu duệ dòng họ Hồ. Ông là danh nhân lịch sử tiêu biểu đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước và quê hương những năm đầu thế kỷ 18. Di tích được khởi dựng từ cuối thời Lê Trung Hưng. Mộ và nhà thờ Hồ Phi Tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2015.
Trong khuôn viên di tích có bia tưởng niệm nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thuộc dòng dõi họ Hồ Phi. Trong cuộc đời 50 năm, bà đã để lại nhiều kiệt tác văn học, được hậu thế tôn vinh là “Bà chúa thơ Nôm”.
Thơ Hồ Xuân Hương thấm đẫm tư tưởng nhân văn, nhân bản sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người, trước hết là người phụ nữ; qua đó thể hiện chân dung một người phụ nữ với tính cách tự do và vượt tầm thời đại, dám nói lên tiếng nói chung của mọi con người ở thời đại phong kiến hà khắc. Tư tưởng đấu tranh cho nữ quyền và quyền bình đẳng nam-nữ của Hồ Xuân Hương từ hơn 200 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Giá trị văn hóa của di sản Hồ Xuân Hương vừa bao quát, vừa vượt lên giá trị văn học, thi ca thực sự đã vươn tới tầm phổ quát, không chỉ mang ý nghĩa một thời kỳ, thời đại mà còn có sức sống trường tồn. Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng, góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa những giá trị cao đẹp và nhân văn trong các tác phẩm của bà đến mọi con người trên thế giới.
Ngày 23/11/2021, Đại Hội đồng UNESCO đã chính thức thông qua Nghị quyết Vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất của một số danh nhân văn hóa tầm nhìn nhân loại, trong đó nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Tại phần mộ trong khuôn viên di tích, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ đồng chí Hồ Tùng Mậu, sinh năm 1896, là cộng sự đắc lực, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng và củng cố lực lượng cách mạng. Ngày 23/7/1951, trên đường đi công tác tại liên khu IV, đồng chí đã bị máy bay địch phát hiện, đuổi bắn và hy sinh.
Tiếp đó, cũng tại xã Quỳnh Đôi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân Anh hùng Cù Chính Lan, sinh năm 1930, là người con của quê hương Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu. Trong một trận đánh trong kháng chiến chống thực dân Pháp đầu năm 1952, dù bị thương nặng 3 lần, đồng chí vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi hy sinh. Tháng 5/1952, đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội (nay là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) và cũng là một trong 7 người đầu tiên của cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhân dân xã Quỳnh Đôi và huyện Quỳnh Lưu. Sau buổi gặp gỡ, nói chuyện động viên bà con nhân dân, Chủ tịch nước tặng 30 nhà tình nghĩa cho huyện Quỳnh Lưu và 30 suất quà cho các hộ gia đình chính sách, người có công xã Quỳnh Đôi.