Chủ quán bánh xèo 5 năm nuôi đứa bé bị bỏ rơi

Nguyễn Thị Hải Hà
Cứ gần 11h mỗi ngày, vợ chồng ông Chương lụi cụi đẩy chiếc xe bánh xèo ra trước hẻm bán hàng, con bé Tường Vy lại xách bọc rau đi sau.

"Được 8 tuổi rồi đó cô, hiểu chuyện lắm, biết phụ ông bà mấy việc lặt vặt", ông Nguyễn Văn Chương, 70 tuổi, nói về Tường Vy - cô cháu gái nhận nuôi 5 năm trước.

Ông Nguyễn Văn Chương và bé Tường Vy ở quán bánh xèo trên đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, trưa 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Ông Nguyễn Văn Chương và bé Tường Vy ở quán bánh xèo trên đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, trưa 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Ông Chương từng là giáo viên. Vợ ở nhà mở quán bánh xèo lề đường trước hẻm 1075 đường Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp. Khi nghỉ hưu, ông về phụ vợ bán hàng kiếm thêm chút thu nhập. Hàng ngày, bà đứng bếp đổ bánh, ông chạy lấy rau, bánh tráng, nước mắm và dọn bàn, phụ vợ rửa chén đũa.

Dịp gần Giáng sinh năm 2018, lúc khoảng 14h, một người phụ nữ mặc bộ đồ hoa dẫn cô con gái chừng 3 tuổi đến quán gọi bánh xèo. Trong trí nhớ của ông, con bé khi đó người gầy nhom, tóc dài, mặt lấm lem. Khách đông nên sau khi phục vụ, vợ chồng ông lo chiên bánh cũng không để ý đến hai mẹ con.

Khi nhớ ra chưa tính tiền, ông nhìn sang thì thấy người mẹ đi đâu mất chỉ còn lại đứa bé nằm ngủ gật trên bàn. Quán còn đông, vợ chồng ông tiếp tục bán và nghĩ người mẹ chạy đâu đó, lát sẽ quay lại đón con.

Đến cuối buổi, bà Phạm Thị Luôn (vợ ông Chương) dọn hàng mới phát hiện cô bé vẫn còn ở đó. "Nó nhìn tôi bảo 'con buồn ngủ quá' rồi lại gục xuống bàn. Tôi hỏi mẹ đâu chỉ nhận lại cái lắc đầu", bà nhớ lại.

Bà Luôn bế đứa bé vào nhà tắm rửa và cho nằm nghỉ. Ông Chương sang nhà tổ trưởng dân phố trình báo. Họ đồng ý để ông tạm nuôi bé trong lúc chờ mẹ đến đón về. Nhưng 5 năm trôi qua, người phụ nữ ấy vẫn chưa quay lại.

Ngày trở thành người giám hộ, ông bà gọi bé là cháu nội và đặt tên Nguyễn Ngọc Tường Vy. Ông Chương nói cái tên này thể hiện hy vọng cháu luôn xinh đẹp, thông minh và có cuộc sống bình an, tốt lành.

Nhưng thời gian đầu nuôi Tường Vy, vợ chồng ông gặp không ít khó khăn. Bà Luôn kể, cô bé cơ thể ốm yếu, hay bệnh vặt. "Tôi mua cháo nó không ăn, uống sữa vào thì bị tiêu chảy rồi sốt. Tôi hoảng quá kêu con trai đưa con bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2 khám đủ thứ, biết con bé chỉ bị sốt siêu vi mới an lòng", bà chủ quán bánh xèo kể.

Ngày Tường Vy nhập viện điều trị, bà Luôn chạy tới lui. Cả đêm trong viện chăm cháu đến 5h sáng tranh thủ về nhà đi chợ chuẩn bị đồ bán, vắng khách lại giao cho chồng trở vào viện. "Đâu có dám nghỉ, phải chịu khó bán để còn có tiền nuôi cháu", bà nói.

Khỏi sốt siêu vi nhưng con bé vẫn đủ thứ bệnh tật. Khoản lương hưu của ông và tiền lời từ xe bánh xèo nhiều lúc vẫn không đủ tiền thuốc thang cho cháu. Ông Chương bấm bụng đi vay nợ, điều họ chưa từng làm suốt mấy chục năm qua. "Lúc đó cũng chẳng nghĩ chuyện được mất, các con cũng ủng hộ nên vợ chồng tôi cứ thế làm thôi", ông Chương nói.

Sau hai tháng chăm nuôi, Vy khỏe mạnh có da thịt hơn. Mọi người kéo đến nhà ông Chương rất đông để xin nhận con nuôi. Bà Luôn vẫn nhớ có cặp vợ chồng hiếm muộn từ Phú Nhuận chạy sang xin nhận nuôi Vy tận hai lần.

"Họ năn nỉ cho tôi một số tiền để đổi lấy cháu. Gia đình tôi không ai chịu. Mình làm như vậy là bán người, không thể được, có khổ mấy cũng ráng nuôi con bé", bà kể.

Bà Phạm Thị Luôn tranh thủ rảnh dạy thêm cho Vy học tại nhà ở phường 16, quận Gò Vấp hôm 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Bà Phạm Thị Luôn tranh thủ rảnh dạy chữ cho Vy tại nhà ở phường 16, quận Gò Vấp, hôm 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Nhìn ông già tóc muối tiêu, mồ hôi nhễ nhại đang chiên bánh, chị Hồng Phượng, chủ hàng hoa kế bên nói: "Bà con quanh xóm ai cũng biết việc làm tử tế của ông bà Chương. Họ già rồi nhưng sống rất tình người. Nghĩ nuôi thêm một đứa bé ba tuổi đâu phải dễ, tôi rất thương".

Năm 2019, Tường Vy được bốn tuổi, rất thích đến trường nhưng vì chưa có giấy khai sinh nên vợ chồng ông Chương cho bé học ở trường mẫu giáo tư, mỗi tháng hết hơn 3 triệu đồng.

Biết hoàn cảnh của bé Vy, tháng 9 năm đó đại diện phường 16 đã hỗ trợ làm thủ tục cho ông Chương tạm nhận nuôi Vy, cấp giấy khai sinh để bé đến trường và hưởng các quyền lợi của trẻ em.

Vy được học tại một trường mẫu giáo công trên địa bàn phường, nhưng sau hai tháng phải nghỉ vì tiếp tục đổ bệnh. Thương cháu, ông bà Chương cho bé ở nhà một thời gian dài để tiện chăm sóc nên việc học cũng bỏ dở giữa chừng.

Sau khi Vy khỏe lại cũng là lúc bị quá hạn thời gian nhập học lớp 1. Ông Chương gửi bé đến học tạm tại nhà một cô giáo trong xóm, mỗi tháng đóng 500.000 đồng. "Sắp tới tôi sẽ làm hồ sơ để cháu có thể đi học chính thức", ông nói.

Trao đổi với VnExpress, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch phường 16, quận Gò Vấp cho biết mới đây cán bộ phường đã có buổi làm việc trực tiếp, hướng dẫn ông Chương làm thủ tục nhận bé Vy làm con nuôi chính thức. Phường cũng đã liên hệ một trường công trên địa bàn để cho Vy được đi học trong năm nay.

"Tôi rất thương cho hoàn cảnh của bé. Phường sẽ cùng ông Chương giúp đỡ Vy có một tương lai tốt hơn, không bị dang dở chuyện đến trường", bà Tâm nói.

Vy phụ ông Chương làm việc vặt ở quán bánh xèo trưa 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Tường Vy phụ ông Chương làm việc vặt ở quán bánh xèo, trưa 9/4. Ảnh: Minh Tâm.

Tường Vy giờ đã được 8 tuổi. Ông bà suốt ngày buôn bán ngoài đầu hẻm, bé trông nhà và phụ quét dọn. Bà Luôn nói, bé dường như cũng hiểu chuyện nên rất ngoan, không bao giờ đòi hỏi thứ gì. "Tiếng là ông bà nuôi chứ cơm nước nấu sẵn cháu tự lấy ăn không nhờ ai giúp", bà nói.

Bà Luôn kể, có lần người lạ không biết nên hỏi chuyện Vy về mẹ. Cô bé chỉ bảo "Mẹ con chết rồi" xong cúi mặt không nói gì. Biết ý cháu, từ sau lần đó bà dặn mọi người đừng ai nhắc về mẹ kẻo cháu nội buồn.

Gần đây, bà Luôn bị tai biến, rồi hay cảm lạnh phải nằm ở nhà. Xe bánh xèo trông cậy vào chồng. Con trai bà lo công việc nên ít khi về, con gái bận chăm sóc hai con nhỏ. Bé Vy thương ông bà nên thi thoảng chạy việc lặt vặt trong nhà.

Khi được hỏi về tương lai của bé, ông Chương, bà Luôn đều nói mình già rồi chẳng sống được bao lâu nên không mong chờ hưởng trái ngọt, chỉ mong con bé được học hành tử tế sau này tương lai tươi sáng hơn.

"Chúng tôi không còn thì nhất quyết các con tôi phải nuôi con bé đến cùng", bà Luôn nói, mắt rưng rưng.

Minh Tâm