Chủ động ứng phó với diễn biến mưa bão, lũ quét, sạt lở đất

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Trước diễn biến của Bão số 3 gây mưa lớn, ngập lụt nhiều nơi, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Văn phòng Bộ Công an đã có Công điện gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
mualu-1603843649651-16614148925361848109945-1661468528.jpeg
Chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3 Ma-on, từ chiều 25.8 đến đêm 26.8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm, riêng Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ ngày 27.8, mưa lớn giảm trên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Từ đêm 25.8 đến 27.8, thượng lưu các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 2-5m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2; các sông nhỏ, thượng lưu các sông ở Thanh Hóa lên mức BĐ1. Mực nước đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (TP.Hạ Long, Cẩm Phả), Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngày 25/8/2022, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 12/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (Ban Chỉ huy ƯPT) các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy ƯPT Công an các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Theo đó, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương:

1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai.

2. Theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai. Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai. Sẵn sàng phương án huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn giúp nhân dân ứng phó bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

3. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

4. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

5. Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, ngoài những nội dung trên, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tiếp tục rà soát và thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt là các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; đảm bảo an toàn cho các công trình, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo.

6. Kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044)./.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, để ứng phó với lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3 Ma-on, các tỉnh miền núi phía Bắc đã rà soát số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất với 135.404 người và các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ. Qua khảo sát có 2.066 điểm giao thông có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, trong đó Lạng Sơn (67 điểm); Cao Bằng (36 điểm); Hà Giang (104); Lào Cai (700); Lai Châu (200); Điện Biên (205); Bắc Giang (15); Thái Nguyên (131); Bắc Kạn (150); Tuyên Quang (378); Hòa Bình (57); Phú Thọ (23). Các tỉnh đã sẵn sàng phương án cảnh báo, tổ chức canh gác tại những khu vực nguy hiểm.
Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn - Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h30 ngày 25.8, đã hướng dẫn cho 33.405 tàu với 109.944 người ở khu vực biển vịnh Bắc Bộ chủ động di chuyển phòng tránh bão; tổ chức bắn pháo hiệu tại 14 điểm tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, trong đó, đang hoạt động trên khu vực biển vịnh Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Quảng Bình) là 7.070 tàu với 25.068 người; neo đậu tại các bến: 26.335 tàu với 84.876 người. Hiện các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến bão và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

PL