Chống lạm phát châu Âu tăng lãi suất lần đầu sau 11 năm

Nguyễn Thị Hải Hà
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 9/6 xác nhận sẽ nâng lãi suất từ tháng sau để chống lạm phát.

"Lạm phát đang ở mức cao ngoài dự kiến và có thể tiếp tục cao hơn mục tiêu của chúng tôi thêm một thời gian nữa", Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết trong cuộc họp báo hôm qua. ECB vẫn giữ nguyên lãi suất sau phiên họp, nhưng thông báo trong tháng sau sẽ nâng lãi thêm 0,25% - lần đầu tiên trong 11 năm. Đợt nâng lãi tháng 9 có thể còn mạnh tay hơn "nếu triển vọng lạm phát trong trung hạn vẫn không cải thiện hoặc xấu đi".

lam-phat-o-chau-au-cao-nhat-13-nam-084201559-1654846470.jpg
Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, lạm phát eurozone tháng trước lên kỷ lục 8,1%

ECB cũng nâng dự báo lạm phát năm nay của eurozone lên 6,8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của cơ quan này. GDP 19 nước eurozone cũng có thể chỉ tăng 2,8% năm nay và 2,1% năm tới.

Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, lạm phát eurozone tháng trước lên kỷ lục 8,1%. Xung đột tại Ukraine đã thổi bùng lạm phát toàn cầu, tăng thêm sức ép buộc EU tìm lựa chọn thay thế dầu khí Nga. EU đã đồng ý giảm nhập khẩu, nhưng theo giai đoạn. Bà Lagarde cho biết giá năng lượng đã tăng gần 40% so với tháng 5/2021 và sẽ còn ở mức cao trong ngắn hạn.

So với Anh và Mỹ, ECB chậm hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Cả Anh và Mỹ đều đã nâng lãi suất trong vài tháng qua. Tuy nhiên, nhiệm vụ của châu Âu khó khăn hơn, do họ chịu tác động kinh tế trực tiếp từ xung đột tại Ukraine.

Bill Papadakis – chiến lược gia vĩ mô tại Bank Lombard Odier cho rằng quyết định nâng lãi tháng 7 của ECB là "đúng đắn". Tuy nhiên, việc nâng lãi mạnh tay hơn vào tháng 9 có thể là một sai lầm. "Giá năng lượng cao đã ăn mòn thu nhập thực của người tiêu dùng rồi. Vì thế, thắt chặt tiền tệ quá đà có thể càng gây sức ép cho nền kinh tế", ông giải thích.

PV- theo CNN