Chính phủ yêu cầu các địa phương bãi bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu

Nguyễn Diệp Linh
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ quy định yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu liên quan đến việc triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án 06).

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú, gửi kết quả cho Bộ Công an trước ngày 20/9.

203-an-1-1-1663316383.jpg

Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy vẫn có giá trị đến hết năm 2022. Ảnh: Báo Lao động

Trên cơ sở kết quả rà soát của các bộ, ngành, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30/9.

Trường hợp cần thiết, đề xuất sửa đổi văn bản theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ ngày 1/1/2023. Mục tiêu là phải hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 12/2022.

Đáng chú ý, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh ngay để bãi bỏ các quy định về việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.

Nghị quyết nhấn mạnh cần phải bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao các bộ, ngành liên quan như Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ khẩn trương phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối các phần mềm nghiệp vụ với phần mềm dịch vụ công liên thông phục vụ triển khai thí điểm.

Hồi tháng 8, trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định Bộ không có chủ trương thu hồi sổ hộ khẩu hàng loạt, chỉ thu hồi sổ khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ đã cấp.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi cho phù hợp. Ông Lâm dẫn chứng, Bộ Công an nhiều lần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cháu đến tuổi phải được đi học, không thể vì sổ hộ khẩu mà không được đến trường, gây rất nhiều khó khăn. "Không thể bám vào sổ hộ khẩu để gây khó khăn cho các cháu đi học, rồi bố mẹ phải xin vào chỗ này, chỗ kia", ông Lâm nói.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết đã rà soát, xử lý những trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu không đúng quy định, gây phiền hà cho người dân.

Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội sau đó có công văn hướng dẫn phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, trong đó có giao dịch đất đai.

Cụ thể, người dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử và giấy tờ hợp pháp chứng minh thông tin cá nhân nơi cư trú; sử dụng giấy xác nhận thông tin về nơi cư trú; hoặc dùng số định danh cá nhân, thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với các nội dung trên, nghị quyết của Chính phủ cũng đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm.

Với phương châm điều hành "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không", nghị quyết nhấn mạnh cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vắc xin, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm 2022 và các tháng cuối năm, yêu cầu nghiêm khắc phê bình 12 bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 10% kế hoạch.

PV