Từ kết quả và bài học thực hiện Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020”, ngày 6/4/2021, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với thông điệp “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”.
Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu một cách sáng tạo Chiến lược 2030 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đổi mới mạnh mẽ cách thức hoạt động dựa trên 05 nền tảng: Hỗ trợ và phát triển các cấp Hội địa phương; truyền cảm hứng và huy động tình nguyện viên; đảm bảo niềm tin và trách nhiệm giải trình; chuyển đổi kỹ thuật số; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế và ngày càng phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực sự vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước tự chủ, thích ứng với tình hình, ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề nhân đạo từ cơ sở, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, giáo dục lòng nhân ái, làm lan tỏa các giá trị nhân đạo, đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Chiến lược đã đưa ra một số mục tiêu cụ thể trong đó củng cố hệ thống tổ chức Hội, nâng cao khả năng thích ứng và năng lực vận động nhân đạo của các cấp Hội. Xây dựng các cơ quan chuyên trách của Hội tinh gọn, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, phát triển lực lượng tình nguyện viên là nhiệm vụ đột phá.
Về phong trào Chữ thập đỏ: Nâng cao hiệu quả hoạt động nhân đạo do Hội tổ chức, đủ sức lôi cuốn và điều phối các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại cộng đồng. Toàn Hội coi công tác xã hội trong lĩnh vực nhân đạo, tuyên truyền các giá trị nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa, tham gia xây dựng và chuyển giao mô hình cộng đồng an toàn, chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, hiến máu tình nguyện và hiến mô, bộ phận cơ thể người là nhiệm vụ nền tảng; tổ chức hiệu quả hoạt động sơ cấp cứu là nhiệm vụ đột phá.
Về phát triển nguồn lực, tài chính và hợp tác quốc tế: Nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác vận động nguồn lực; phát triển quan hệ đối tác bền vững với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế là nhiệm vụ then chốt; từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo của Hội là nhiệm vụ đột phá.
Về vận động chính sách: Tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động và phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là nhiệm vụ then chốt.
Việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 không chỉ góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, mà còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, hiệu quả trợ giúp nhân đạo, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong xã hội, tham gia thực hiện các mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, phòng chống thiên tai, thảm họa.
Trần Thu Hương