Thị trường vàng bạc, đồ trang sức nổi tiếng khó tính và doanh nhân kinh doanh lĩnh vực này chịu rất nhiều áp lực để tồn tại, phát triển nhưng dường như là đam mê của chị Bành Thị Kim Hương bởi kế nghiệp nghề truyền thống gia đình. Bố mẹ kinh doanh vàng bạc đá quý, Kim Hương được dìu dắt theo nghề nên tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm. Khi trưởng thành, ban đầu chị Kim Hương mở cửa hàng bán quần áo, tích lũy vốn và sau đó quyết định mở Tiệm vàng Kim Hương (năm 1989) của riêng mình.
Để thành công trong kinh doanh vàng bạc, đòi hỏi doanh nhân phải thông minh, nhanh nhạy, cần bản lĩnh và sự nỗ lực vươn lên, Kim Hương luôn học hỏi kinh nghiệm người đi trước; Theo dõi biến động kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế; Nắm bắt chính xác giá vàng quốc tế và điều chỉnh giá kịp thời cho cửa hàng. Về mẫu mã hàng hóa, Kim Hương nắm bắt tâm lý khách hàng, thiết kế mẫu sản phẩm phù hợp với xu hướng thời trang. Hiện tại, Doanh nghiệp Kim Hương đào tạo đội ngũ thợ kim hoàn lành nghề, chế tác nhiều mẫu sản phẩm chất lượng và hợp thời trang.

Chị Bành Thị Kim Hương tặng bánh Trung thu cho học sinh Trường Trẻ mồ côi Khai Trí
Bên cạnh kinh doanh vàng, vào những năm 2000, nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân An Giang cao mà phương tiện giao thông không đáp ứng đủ nên Doanh nghiệp Kim Hương đã đầu tư mua 40 xe ô tô chất lượng cao thành lập dịch vụ chuyên chở khách từ An Giang tới thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp còn mở thêm lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đảm bảo cho những chiếc xe Doanh nghiệp Kim Hương được sử dụng chính xăng dầu chất lượng. Việc mở rộng kinh doanh của Kim Hương đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương; Trong đó phần lớn là người dân tộc Khmer, Chăm, Hoa…
Tích cực hoạt động từ thiện
Tuy công việc kinh doanh tất bật suốt ngày, nhưng Doanh nhân Kim Hương tích cực trong hoạt động từ thiện. Với tâm niệm “Làm từ thiện là lẽ sống”, nhiều năm qua, chị Kim Hương đã dành hơn chục tỷ đồng để giúp đỡ, chia sẻ cùng những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số). Người dân không chỉ An Giang mà đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long biết tới chị bởi “tấm lòng vàng” của chị trong các hoạt động từ thiện. Kim Hương đã giúp đỡ hàng chục tấn gạo cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, tặng nhiều phần quà cho các em học sinh nghèo, hiếu học; Bê tông hóa các con đường lầy lội ở nông thôn, hay xây những cây cầu qua kênh rạch thay cho cầu ván, cầu khỉ. Doanh nghiệp Vàng bạc Kim Hương còn nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng hơn 120 trẻ em cơ nhỡ; Bảo trợ Viện Dưỡng lão..... Chị Kim Hương là người từng đấu giá sim điện thoại di động tại Câu lạc bộ Lan Anh – Thành phố Hồ Chí Minh với giá 430 triệu đồng để làm từ thiện. Và rất nhiều việc làm ý nghĩa khác. Ngoài ra Kim Hương còn vận động nhiều người, nhiều doanh nghiệp, tổ chức tham gia từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Kim Hương được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Trường Trẻ em mồ côi Khai Trí; Ủy viên Thường trực Hội Bảo trợ trẻ em tàn tật thành phố Long Xuyên và Ủy viên Quỹ Bảo trợ tỉnh An Giang... Mới đây, chị đã đóng góp trên 150 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng 2 cây cầu nông thôn ở thị trấn Giồng Riềng - Kiên Giang và xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang; Hỗ trợ xây 5 Nhà Đại đoàn kết cho 5 hộ nghèo ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú (dân tộc Khmer tỉnh An Giang); Ủng hộ Quỹ Biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tặng nhẫn cưới cho các cặp đôi nghèo ở huyện đảo Trường Sa… Có lẽ vì thế, bên cạnh hình ảnh một nữ doanh nhân tài năng, bản lĩnh, thành đạt trong sự nghiệp, chị Kim Hương còn được biết đến như một biểu tượng của lòng nhân ái với biệt danh “Nữ hoàng từ thiện”.

Chị Bành Thị Kim Hương trao quà tặng trao quà Tết cho người nghèo
Đức Lương