Chị em đoàn tụ sau 47 năm thất lạc nhờ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Đặng Thu Hằng
Ngày 15/11, bà Phạm Thị Minh (SN 1956, quốc tịch Mỹ) đã tìm thấy em trai là ông Phạm Văn Dung (SN 1961, HKTT ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) sau hơn 47 năm nhờ dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trước đó vào buổi chiều 14/11/2022, bà Phạm Thị Minh cùng với gia đình từ Mỹ bay về Việt Nam lên Công an huyện Lộc Ninh để tìm kiếm người em trai thất lạc.

Bà Minh kể lại rằng, năm 1975 khi bà 19 tuổi do điều kiện hoàn cảnh cha mẹ mất, bà xuất cảnh sang Mỹ, còn người em trai sống cùng với một người quen ở TP Hồ Chí Minh. Thời điểm sang Mỹ, bà đã mất liên lạc với em trai mình. Sau đó nhiều lần bà đã cố gắng liên lạc, tìm hiểu thông tin về em mình nhưng không có kết quả.

l2-1668484534582-1668507463.jpg
Bà Minh và ông Dung gặp nhau tại Công an huyện Lộc Ninh. (Ảnh: CAND)

Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo Đội An ninh phối hợp với đội Cảnh sát quản lý hành chính về Trật tự xã hội (QLHC về TTXH) góp nhặt những thông tin về tên tuổi, địa chỉ của người em là Phạm Văn Dung, sinh sống tại Lộc Ninh.

Dựa vào dữ liệu quốc gia về dân cư, Công an huyện Lộc Ninh đã nhanh chóng liên lạc với ông Dung, niềm vui vỡ oà khi bà Minh và ông Dung gặp lại nhau sau 47 năm xa cách, những giọt nước mắt hạnh phúc, những cái ôm thật chặt của hai chị em dành cho nhau mà tưởng chừng trong mơ mới thực hiện được.

Ông Dung nghẹn ngào cho biết, đã cùng với gia đình rất nhiều lần, đi rất nhiều nơi, nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” hỗ trợ tìm chị gái nhưng chưa có kết quả. Khi nhận được điện thoại của Công an huyện Lộc Ninh, ông Dung thực sự bất ngờ và không tin vào tai mình khi được thông báo tìm được người thân. Qua đây bà Minh và ông Dung cùng với gia đình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo Công an huyện Lộc Ninh, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH đã giúp thực hiện được ước nguyện lớn nhất của mình.

l3-1668484595451-1668507076.jpg
Gia đình bà Minh từ Mỹ bay về Việt Nam tìm em trai. (Ảnh: CAND)

Chứng kiến những giọt nước mắt xúc động và vui sướng của bà Minh, ông Dung và người thân trong cuộc hội ngộ kỳ diệu này cũng là niềm vui của Công an huyện Lộc Ninh nói chung và Đội Cảnh sát QLHC về TTXH nói riêng. Thêm một lần nữa cho thấy ý nghĩa rất lớn từ số hoá, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác Công an và sự kỳ diệu của Đề án 06 mang lại.

Dữ liệu quốc gia về dân cư là thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý. Những thông tin công dân được thu thập, gồm: họ tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, thường trú, tạm trú, tình trạng hôn nhân, nhóm máu, số định danh, cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp...

T.H.