Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Phấn đấu cân đối nguồn lực để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo các Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII). Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện tiết kiệm triệt để, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Thực hiện rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 để hủy bỏ, thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định.
Tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2023; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.
Các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm:
1- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:
- Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại mục 2 ở dưới;
- Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
2- Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:
- Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan;
- Lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước;
- Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.
3- Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những quan điểm, nội dung và nhiệm vụ chủ yếu đề ra tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chính sách, dự án cụ thể để đạt được các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc.
Cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan khác.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin cho thiết bị camera giám sát.
Trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện hiệu quả các biện pháp sau:
Xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ khi triển khai các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát.
Thời hạn hoàn thành: Xác định và phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát, hoàn thành chậm nhất trong tháng 3 năm 2023; triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin có sử dụng camera giám sát đang vận hành, hoàn thành chậm nhất trong tháng 9 năm 2023.
Tháng 3/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí an toàn thông tin mạng cho camera giám sát.
Bộ Công an có trách nhiệm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân lợi dụng camera giám sát để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh camera giám sát, không để các camera giám sát không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát lưu thông trên thị trường; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về làm giả, nhập lậu camera giám sát;…
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1250/CĐ-TTg ngày 29/12/2022 chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, trọng điểm.
Để hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đường cao tốc đi qua tập trung chỉ đạo:
Chính quyền các địa phương tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng quy định của pháp luật, bảo đảm người dân bị thu hồi đất có chỗ ở mới tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhất là về hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa…
Đối với các gói thầu xây lắp, tư vấn thực hiện lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu: yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện chỉ định thầu đúng pháp luật, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; các nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm năng lực, kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng, hiệu quả công trình, dự án; các nhà thầu tư vấn cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong khảo sát, lập dự toán, giám sát thi công các gói thầu; chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật nếu để xảy ra sai phạm. Các cơ quan có thẩm quyền liên quan thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, chất lượng và thực hiện đúng pháp luật.
Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố được giao là cơ quan chủ quản chủ động thực hiện các cơ chế đặc thù đã được cấp có thẩm quyền cho phép, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, khó khăn, bất cập.;…
Thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Trong đó, về định mức chi, Nghị định quy định đối với khoán bảo vệ rừng thì mức khoán tối thiểu bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tối đa không lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo đối tượng nhận khoán trên cùng địa bàn cấp tỉnh. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, định mức hỗ trợ là 50.000.000 đồng/cộng đồng dân cư/năm.
Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của 2 cơ quan thuộc Chính phủ
Chính phủ ban hành 2 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 2 cơ quan thuộc Chính phủ: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Nghị định 106/2022/NĐ-CP ngày 24/12/2022); Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Nghị định 108/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022)
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KTXH vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Nghị quyết 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giai đoạn 2021 - 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng từ 2,5 - 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%/năm, trong đó tỷ lệ trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm.
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Mục tiêu chung của Đề án là tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen...
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả và phù hợp với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp trước ngày 31/3/2023
Theo Thông báo số 393/TB-VPCP ngày 27/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phối hợp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài trước ngày 31/3/2023.
Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 1641/QĐ-TTg ngày 28/12/2022 phê duyệt Đề án "Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2025".
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực hoạch định chính sách, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành chính quyền địa phương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và cách thức tổ chức quản lý; tiếp cận với cách tư duy mới; mở rộng tầm nhìn cho cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ; học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm và phương pháp làm việc hiệu quả; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở một số nước góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài.
Việt Nam đăng cai Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 28/12/2022 đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2023 tại Việt Nam (Đại hội).
Theo đó, sẽ có 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13.
Số môn thể thao tổ chức thi đấu không quá 06 môn; do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xem xét, quyết định cụ thể; bảo đảm phù hợp với lứa tuổi, điều kiện thực tiễn của thể thao học đường.
Thời gian Dự kiến Đại hội trong tháng 8 năm 2023. Thời gian cụ thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xem xét, quyết định.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương đăng cai Đại hội này.
Phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ 100% phòng học mầm non tạm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1609/QĐ-TTg ngày 26/12/2022 phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030".
Chương trình đặt mục tiêu đối với trẻ em, đến năm 2030 có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi; có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ;
Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.
Theo báo Chính Phủ