Chàng trai giàu nghị lực với trái tim nhân ái

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Có những biến cố cuộc đời khiến ta trở nên nản lòng, chùn bước. Thế nhưng, với Trần Chí Hải, sinh năm 1988 (trú tại số 399 Nguyễn Viết Xuân, TP.Pleiku, Gia Lai) biến cố đó như một phép thử của số phận để bản thân mạnh mẽ vươn lên. Hải không chỉ là tấm gương về nghị lực sống mà còn là một chàng trai giàu lòng nhân ái, mang lại niềm tin cho người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Tôi biết Hải tình cờ trong một chuyến đi cấp phát cháo từ thiện cùng Câu Lạc bộ máu nóng Gia Lai. Chàng trai với dáng đi liêu xiêu, đầu hơi nghiêng sang một bên, người đầm đìa mồ hôi đang tất bật nấu cháo để kịp giờ cấp phát cho bệnh nhân nghèo. Một mình Hải đảm nhận cả nồi cháo lớn, vừa nấu vừa phụ mọi người rửa rau, gọt củ quả. Thi thoảng, anh lại buông vài câu chọc cười hóm hỉnh, khiến tôi chú ý. Qua vài lần tiếp xúc, câu chuyện về cuộc đời và tấm lòng nhân ái của chàng trai ấy đã làm tôi thực sự cảm phục, thôi thúc tôi phải viết một cái gì đó về Hải. 

ms31
Anh Trần Chí Hải (ngoài cùng bên trái) trong 1 lần cấp phát cháo từ thiện cùng các thành viên trong CLB Máu nóng Gia Lai

Vượt qua số phận, trở thành chuyên gia công nghệ

Hải sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở phường Hội Phú, thành phố Pleiku, Gia Lai. Ngoài giờ học, Hải thường xin đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Năm 18 tuổi, Hải vừa tốt nghiệp THPT và đang háo hức chuẩn bị thi đại học thì một tai nạn bất ngờ ập đến. Trong một lần đi hái cà phê thuê, Hải không may bị ngã từ trên cây cà phê mít cao hơn 4m xuống đất. Tai nạn đó, khiến anh bị biến dạng khớp phải nằm một chỗ. Từ một thanh niên lành lặn, khỏe mạnh, nay mọi sinh hoạt đều do bố mẹ phục vụ, cảm giác tuyệt vọng và đau đớn đến cùng cực.

Nhưng rồi vượt qua tất cả những mặc cảm, nỗi buồn thấu tận tim gan, Hải đã cố gắng tìm đến sách vở, kiến thức để quên đi nỗi tủi thân đang bủa vây lấy mình. Trong khoảng thời gian điều trị tại bệnh viện, Hải may mắn quen được người anh là sinh viên. Thương hoàn cảnh của Hải, người bạn ấy đã tình nguyện dạy cho Hải về công nghệ thông tin vào mỗi buổi tối sau giờ học. Với bản tính thông minh, thích tìm tòi, khám phá, chỉ một thời gian ngắn Hải đã biết mày mò viết những trang web cơ bản tại nhà, xây dựng nội dung marketing cho trang web ấy, đẩy top những từ khóa cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và bán lại.

ms31
Anh Trần Chí Hải (áo đen đứng giữa) và các nhân viên trong Công ty Star H2

Sau 3 năm phải nằm một chỗ, nhờ sự nỗ lực chạy chữa của gia đình, sự tận tụy của các y-bác sĩ và nghị lực phi thường của bản thân, đôi chân của Hải đã hoạt động lại và bước được những bước đầu tiên sau cú tai nạn bằng nạng. Khát khao được đi học lại, được khám phá không gian kiến thức mênh mông trong lĩnh vực công nghệ thông tin, năm 2010, Hải nộp hồ sơ vào Đại học Quang Trung (Quy Nhơn, Bình Định).

Quá trình học tập, ở bất kỳ môi trường nào, Hải cũng thể hiện là một người bình thường như các bạn khác, năng nổ trong mọi hoạt động của trường, đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện. Hải tranh thủ làm thêm nhiều nghề để kiếm tiền trang trải việc học và tích lũy tiền phẫu thuật. Năm 2014, Hải thành lập Công ty TLS tại Quy Nhơn chuyên về dịch vụ in ấn, marketing online. Cũng trong năm này, với số tiền tích góp được và sự giúp đỡ của mạnh thường quân, Hải đã phẫu thuật thành công cho đôi chân, anh có thể tự đi một đoạn khá xa mà không cần đến nạng.

Tốt nghiệp đại học, với nền tảng kiến thức vững chắc và nhiều năm kinh nghiệm, Hải được rất nhiều công ty mời về làm việc. Trải qua các vị trí công việc khác nhau, anh vẫn nung nấu ý chí quyết tâm tìm kiếm con đường riêng để lập nghiệp tại quê nhà và có điều kiện giúp đỡ những người kém may mắn. Tháng 3/2016, Hải trở về Pleiku, Gia Lai thành lập Công ty Star H2 chuyên về quản trị mạng, xây dựng web, tư vấn giải pháp maketing, định hướng để giúp những doanh nghiệp nhỏ tìm được khách hàng, xây dựng chiến lược đẩy top google… Mục tiêu chính của Star H2 là tạo cơ hội vừa học,vừa làm cho người khuyết tật.

Đến nay, sau 4 năm thành lập Công ty Star H2, ngoài việc ký kết hợp đồng với các đối tác trên cả nước, Hải đã đào tạo nghề miễn phí cho gần 70 người khuyết tật từ Nam ra Bắc và hiện đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 người khuyết tật khác, giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng.

ms31-1
Anh Trần Chí Hải hỗ trợ đẩy xe lăn cho một bạn khuyết tật

 Mang lại “Ngôi sao hạnh phúc” cho người khuyết tật

Tôi ghé thăm nơi làm việc của Hải vào một ngày cuối tháng 8/2020. Hải cùng các nhân viên Công ty Star H2 ra cửa đón tôi với nụ cười rạng rỡ. Trong căn phòng làm việc rộng chừng 40 m2, chúng tôi ngồi quây quần bên nhau, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề như đã gắn bó từ lâu.

Anh Trần Việt Thắng, sinh năm 1990 (quê Đà Lạt, Lâm Đồng) gắn bó với Hải từ những ngày đầu mới thành lập công ty, cười hồn nhiên như trẻ nhỏ, khoe với tôi: “Em sống và làm việc ở đây quen rồi, không muốn đi đâu nữa. Ở đây, ngoài việc được lo ăn, ở, mỗi năm em còn để dành được một khoản tiền kha khá gửi về quê phụ giúp bố mẹ. “Anh Hai” (tên gọi thân mật mọi người dành cho Hải) và mọi người rất hiền, thương em lắm”. Thắng mang trong mình căn bệnh bại não do một lần bị tai nạn nên không được lanh lợi như các bạn khác nhưng bù lại anh khá giỏi về công nghệ thông tin, phụ giúp Hải rất nhiều trong công việc.  

Trước khi gia nhập Star H2, chị Phạm Thị Thanh, sinh năm 1992 (Chư Păh, Gia Lai) là một cô gái khá nhút nhát. Mặc cảm mang trong mình căn bệnh chấn thương cột sống khiến 2 chân bị teo phải ngồi xe lăn nên Thanh luôn sống khép kín, lầm lũi một mình. Thế nhưng, sau một thời gian vào học và làm trong công ty của Hải, Thanh đã xóa bỏ được sự tự ti về bản thân, sống hòa đồng, vui vẻ với mọi người.

Chị xúc động tâm sự: “Lúc mới vào làm em có cảm giác không thể nào theo được vì công việc ở đây liên quan tới công nghệ và viết lách nhưng nhờ sự nhiệt tình, tận tâm của anh Hai em đã dần quen với công việc, tự tin thể hiện văn phong của mình mà không gặp bất cứ khó khăn nào. Sống và làm việc ở đây em thấy được là chính mình, được yêu thương và khẳng định mình”.

Còn cô em út Lê Thị Hà My, sinh năm 1997, đến từ Kon Tum mới vào Star H2 được 5 tháng nhưng đã tỏ ra rất thông minh, nhanh nhẹn và tự lập. Việc đi lại của My phải gắn liền với chiếc xe lăn do bị chấn thương cột sống nhưng em luôn tự mình làm hết mọi việc, ít khi phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác. My chia sẻ, rất thích ở đây vì vừa được học nghề vừa có thể kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Em còn được anh Hải cho tham gia các hoạt động thiện nguyện, được giao lưu và có thêm nhiều bạn mới. Sống ở đây mọi người rất tình cảm nên My cũng dần vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ.

Hải cho biết, trong công việc anh rất nghiêm khắc với các bạn vì làm ở môi trường này đòi hỏi phải có thái độ nghiêm túc và sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, anh luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến, tâm tư cũng như chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống cùng các bạn. Đào tạo công nghệ cho người bình thường đã khó, đối với người khuyết tật còn khó khăn gấp nhiều lần, nhất là thời gian đầu khi các bạn mới vào. Có bạn được bố mẹ định hướng việc học nghề nên cảm giác bị ép buộc, không chịu hợp tác. Vì vậy, Hải phải làm công tác tư tưởng trước, nhẹ nhàng nhưng cũng cần cứng rắn thì các bạn mới chịu nghe và dần tìm thấy sự đam mê trong công việc. Sau giờ làm, Hải luôn tạo điều kiện để mọi người tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Anh và các thành viên Star H2 đang là những tình nguyện viên tích cực của Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai, trực tiếp tham gia các hoạt động nấu và cấp phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, vận động hiến máu tình nguyện.

Nhận xét về Hải, anh Trần Vũ - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai cho biết: “Anh Hải là một người rất giàu ý chí, nghị lực sống và có tấm lòng nhân ái. Dù bị khiếm khuyết về vận động nhưng anh rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Hơn một năm nay, bất kể trời mưa hay nắng, sáng thứ 7 hàng tuần, anh và các bạn trong Star H2 đều thức dậy từ 2 giờ sáng để nấu và cấp phát hơn 400 suất cháo cùng các thành viên trong Câu lạc bộ. Không có sự khác biệt giữa những người khuyết tật và người lành lặn, các bạn ở đây đều tự lập và tích cực như những tình nguyện viên khác”.

Khi được hỏi vì sao lại đặt tên công ty là “Star H2”, Hải nhiệt tình giải thích: “Star H2” có nghĩa là “Star happy house”. Đây là một ngôi nhà gồm những ngôi sao hạnh phúc. Mình muốn các bạn vào đây sống và làm việc đều được thỏa sức khám phá bản thân, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để khẳng định mình, sống có ích và tỏa sáng như những ngôi sao.

Chia sẻ về những dự định sắp tới, Hải bộc bạch: “Dự định thì nhiều lắm nhưng sức mình đến đâu thì làm đến đó. Trước mắt, mình muốn phát triển công ty mạnh hơn nữa để có thể tạo công ăn việc làm ổn định cho các bạn khuyết tật. Hằng năm, sẽ cố gắng tổ chức cho các bạn đi tham quan kết hợp làm thiện nguyện như tặng quà hoặc giao lưu với người khuyết tật ở những vùng đất mới trong cả nước. Mình cũng đang tích lũy vốn để thời gian tới mở thêm một cơ sở sửa chữa điện tử và đào tạo nghề miễn phí cho người khuyết tật...”. Thoáng chút trầm ngâm, anh tiếp lời như muốn nhắn nhủ: “Ai cũng chỉ được sống một lần, dù lành lặn hay khiếm khuyết về cơ thể cũng là một kiếp người, nên phải sống sao để không phải hối tiếc bởi những ngày đã sống hoài, sống phí”.

(Bài dự thi Cuộc thi viết Tôi tình nguyện 2020 - MS: 31)

Phương Thúy