Động viên những lao động không may gặp tai nạn
Mới đây, ngành lao động thương binh và xã hội (LĐTBXH), công đoàn tại Thái Nguyên đã thăm, tặng quà gồm gia đình anh Lăng Văn Trúc (công nhân Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên, nạn nhân bị tai nạn tử vong) ở xóm Đông Mẫu, xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ) và anh Trần Mạnh Hiếu (hộ sản xuất gia đình, bị thương nặng 97% và đang nằm liệt tại chỗ) ở tổ dân phố 13, phường Tân Lập (thành phố Thái Nguyên).
Anh Lăng Văn Trúc (sinh năm 1980) có thâm niên 12 năm làm việc tại Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên, bị tai nạn lao động trong sản xuất hầm lò tháng 10/2021 dẫn đến trấn thương sọ não và tử vong. Anh Trúc là lao động chính trong gia đình nên tai nạn lao động đã gây tổn thất lớn cho gia đình.
Ngoài việc hỗ trợ, chi trả chế độ chính sách theo quy định đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, vợ anh Trúc là chị Lý Thị Giang còn được Xí nghiệp kẽm chì làng Hích (Công ty Cổ phần luyện kim màu Thái Nguyên) tiếp nhận vào làm việc, thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/tháng.
Trường hợp của anh Trần Mạnh Hiếu (sinh năm 1988) bị tai nạn lao động (điện giật) trong lúc hàn tại xưởng cơ khí của gia đình vào năm 2020. Anh Hiếu có vợ và 2 con nhỏ, hiện đang nằm liệt tại chỗ và được vợ con chăm sóc.
Trong dịp này, nhiều chương trình thăm và tặng quà đang được ngành LĐTBXH, các cấp công đoàn tổ chức. Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động cho biết, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được xác định là ưu tiên hàng của các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Do đó, một trong những nội dung quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành các quy định về ATVSLĐ cho người lao động và chủ sử dựng lao động; tuyên truyền về những tác hại, hệ lụy khi để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh…
“Người lao động cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn, thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy trình về an toàn lao động. Đảm bảo an toàn cho mình chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đơn vị, doanh nghiệp”, bà Chu Thị Hạnh chia sẻ.
Theo Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ), từ năm 2016, Tháng Công nhân được tổ chức gắn với các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động. Do đó, tháng 5 hằng năm được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Trong dịp này, ở cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, các cấp Công đoàn đang triển khai thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên; các Công đoàn cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của đoàn viên, người lao động; tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc triển khai và bổ sung Thỏa ước lao động tập thể để người lao động có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, như: Tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo điều kiện làm việc, cải thiện bữa ăn ca...
Đồng thời, các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động như: Thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thăm quan, du lịch, nghỉ mát, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở…
Quan tâm hỗ trợ người lao động bớt khó khăn
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thực hiện NQ 68/NQ-CP, NQ 116//NQ-CP, từ tháng 7/2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí gần 81 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.319 lượt người sử dụng lao động và trên 49,52 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.
Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP (sửa đổi tại Nghị quyết số 126/NQ-CP – còn gọi là gói 26.000 tỷ đồng), toàn quốc có 381.655 lượt người sử dụng lao động, trên 36,54 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác được hỗ trợ với tổng kinh phí là 42.568 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP (còn gọi là gói 38.000 tỷ đồng), có 346.664 lượt người sử dụng lao động và gần 12,98 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 38.430 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ LĐTBXH cũng đang đôn đốc địa phương triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, 2 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng; phương thức chi trả hằng tháng.
Đây là chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhân lực để kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực tạo động lực để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cùng với việc hỗ trợ, vấn đề tiền lương tối thiểu mà lao động đang quan tâm cũng đã được công đoàn tích cực đấu tranh, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách và pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, hơn 2 năm qua, trước tác động của đại dịch COVID-19, đời sống của người lao động gặp vô vàn khó khăn do tiền lương, thu nhập liên tục bị giảm sút, giá cả sinh hoạt tăng cao, nhất là vào những tháng đầu năm 2022. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng là cần thiết, đảm bảo cho người lao động cải thiện đời sống, đồng thời tạo động lực cho họ lao động, gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất với một tâm thế, trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn. Với những người đã rời khỏi thị trường lao động, đây cũng là thông điệp để thu hút họ trở lại, yên tâm lao động, công tác.
Cùng với tiền lương, việc làm, nhà ở, môi trường, chỗ học cho con… đang là những vấn đề mà công nhân lao động quan tâm và đang được Tổng Liên đoàn lao động tập hợp gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ.