Cậu sinh viên có duyên với những tủ sách thiện nguyện

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Những ngày đầu một mình đạp xe đi gom sách ủng hộ, Thái Hải Đăng, cậu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chẳng dám nghĩ hành trình 'Sách đến tay em' lại có thể kéo dài và được nhiều người ủng hộ như bây giờ.

Một ngày cuối tháng 12, vừa trở về Hà Nội sau hành trình đưa “Sách đến tay em” tới hai trường Tiểu học Sa Pả và Trung học cơ sở Phan Si Păng (thị xã Sapa, Lào Cai), Thái Hải Đăng nhận lời hẹn gặp của tôi để chia sẻ về cái duyên của mình với những tủ sách.

Với dáng vẻ thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, có phần hơi nhút nhát, cậu sinh viên năm thứ tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền khiến tôi khá bất ngờ khi biết quê tận Vĩnh Long, một thân một mình ra Hà Nội học đại học.

“Em bén duyên với việc lập tủ sách ngay từ hồi học lớp 11 trường THPT Lưu Văn Liệt ở Vĩnh Long. Hồi ấy, trường không có câu lạc bộ sách, em đã nhờ các anh chị ở dự án Sách và Hành động ở Cần Thơ hướng dẫn cách thành lập câu lạc bộ.

Để có sách, em liên hệ với chị Nguyễn Thị Vân, người sáng lập dự án Tiếp bước tương lai (hoạt động với mục tiêu truyền cảm hứng, kỹ năng đọc sách, tạo nên văn hóa đọc cho học sinh toàn quốc thông qua việc tặng 63 góc sách cho các trường) để xin sách về trường. Câu lạc bộ sách do em gây dựng đến giờ vẫn đang hoạt động. Em thấy đó là một cái duyên”, Đăng mở đầu câu chuyện.

Cậu sinh viên Thái Hải Đăng với hành trình “Sách đến tay em”.Cậu sinh viên Thái Hải Đăng với hành trình “Sách đến tay em”.

Lên đại học, một mình bơ vơ ở đất Hà thành, những ngày đầu chưa có bạn, không tránh khỏi cảm giác cô đơn, Đăng lại lên mạng tìm câu lạc bộ sách. Cái tên đầu tiên hiện lên là Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà. Và rồi Đăng đã nhanh chóng trở thành một thành viên Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà, tích cực tham gia các hoạt động lan tỏa tình yêu sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

“Một lần muốn đi Sapa chơi, để chuyến đi có ý nghĩa hơn, em nảy sinh ý tưởng đi quyên góp sách để hình thành 1 tủ sách nhỏ tặng học sinh ở Sapa. Thế là ý tưởng “Sách đến tay em” ra đời. Sau khi đăng thông tin trên fanpage của Câu lạc bộ Yêu Sách Thái Hà để quyên góp sách, cũng có nhiều người nhiệt tình ủng hộ, nhưng mỗi người chỉ tặng vài ba cuốn. Em phải đạp xe đi khắp Hà Nội gom sách, lúc thì tận Võ Chí Công, lúc lại tận Hà Đông... Hồi đó là mùa hè, thời tiết rất nóng, đi gom sách vô cùng vất vả, lần nào về người cũng như tắm mồ hôi. Có lần xe hỏng, đổ hết sách xuống đường, sách bị bẩn và nát, em thấy tiếc lắm. Phòng trọ thì bé tí, sách để chật phòng, em cũng chỉ ăn uống đơn giản để không ám mùi thức ăn vào sách”, Đăng cười hiền lành kể lại những ngày đầu thực hiện dự án “Sách đến tay em”.

Thành quả của những ngày đạp xe gom sách vất vả của Đăng là khoảng 9 thùng sách mang tặng trường Tiểu học Sa Pả và trường Trung học cơ sở Phan Si Păng ở thị xã Sapa.

Sau 2 tủ sách đầu tiên ở Sapa hồi tháng 7/2022, đến cuối tháng 12, hành trình “Sách đến tay em” đã có thêm 7 tủ sách nữa tặng các trường ở Lạng Giang – Bắc Giang, Ba Vì – Hà Nội, Tân Lạc – Hòa Bình và một số cơ sở khác (trong đó 2 tủ sách mang tặng lần thứ hai cho trường Sa Pả và trường Phan Si Păng).

Thái Hải Đăng thấy mình có duyên với công việc mở tủ sách thiện nguyện.

Thái Hải Đăng thấy mình có duyên với công việc mở tủ sách thiện nguyện.

“Em có duyên với tủ sách lắm. Lúc đầu thấy quá vất vả, em chỉ định làm 1 tủ sách để đi chơi Sapa cho biết. Nào ngờ đến giờ đã được gần chục tủ sách rồi. Em không nghĩ nhiều người biết tới “Sách đến tay em” và ủng hộ em như vậy. Khởi đầu một thân một mình, giờ em đã có nhiều bạn đồng hành, hỗ trợ, không còn cô đơn nữa”, cậu sinh viên thật thà bày tỏ.

Mỗi tủ sách ra đời chứa đựng rất nhiều công sức, tình cảm của Đăng và những bạn đồng hành. Từ việc lựa chọn sách phù hợp tới việc “ngoại giao” với nhà sách để được hưởng mức chiết khấu cao nhất nhằm mua được nhiều sách nhất có thể trong điều kiện ngân quỹ có hạn, rồi tới việc sắp xếp, vận chuyển sách… và rất nhiều công việc không tên khác.

“Đi làm tủ sách nhiều, nếu nói không mệt là giả dối. Nhưng thời gian tới, em vẫn mong muốn có thể tiếp tục đưa hành trình “Sách đến tay em” tới những nơi chưa đủ điều kiện để thiết lập tủ sách và rất muốn được tặng sách, nhất là những trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Với những nơi này, các hoạt động tặng áo ấm, thức ăn cũng là cần thiết, nhưng em nghĩ để giải quyết bài toán lâu dài thì học sinh cần phải đọc sách để có tri thức. Từng quyển sách được các bạn mở ra kèm theo đó là một hy vọng cho tương lai tươi sáng. Chúng em hy vọng mỗi người một ít, góp tinh thần, góp tri thức, góp ý kiến, góp sức, góp lực, góp thời gian, góp sách, góp tiền, góp vật phẩm... để chúng ta cùng nhau vận động, phát triển văn hóa đọc ở những nơi như thế này”, Đăng nhấn mạnh trước khi dừng câu chuyện.

Theo Infonet