4 cháu mồ côi vì COVID-19, cậu 23 tuổi chạy xe ôm công nghệ xuyên đêm nuôi nấng

Đặng Thu Hằng
23 tuổi, chàng xe ôm công nghệ Nguyễn Hùng Phúc (Q.10, TP.HCM) vừa đi học ở trung tâm giáo dục thường xuyên vừa đi chạy xe xuyên đêm kiếm tiền lo cho 4 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ vì COVID-19.

Tháng 8.2021, chị gái Phúc đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con, xét nghiệm nhiễm COVID-19 nên ngay sau sinh mổ, bé gái phải tách rời mẹ. Hai tuần sau, chị gái Phúc mất ở tuổi 33 vì nhiễm COVID-19. Một tuần trước đó, ở bệnh viện dã chiến, chồng của chị gái Phúc cũng mất vì đại dịch này.

Nhận tin báo, ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi, ba Phúc) đang cách ly điều trị trong khu dã chiến sốc nặng. 3 ngày không ăn, sức yếu, nhưng ông ráng sức vực dậy vì nghĩ đến 4 đứa cháu bơ vơ…

Nỗi đau chưa nguôi

Ngày hết cách ly, ông Hùng đến bệnh viện nhận cốt con gái về lập bàn thờ rồi đến khoa sơ sinh nhận cháu. Ôm cháu gái bé bỏng trên tay, người đàn ông tóc hoa râm vẫn chưa tin những gì vừa xảy đến với gia đình. Đứa bé vừa sinh ra đã không một giây phút nào được ở trong vòng tay ba mẹ.

Ẵm cháu về đứng trước bàn thờ con gái, ông ứa nước mắt nói: “Ba đón cháu về rồi đây, con yên tâm đi đi nha, mọi chuyện giờ để ba lo. Cháu sinh mùa COVID nên ba đặt tên Vy”…

xe-om-cong-nghe2-1946-1665287174.jpeg
Chị gái của Phúc mất ở tuổi 33 vì COVID-19 khi vào viện sinh con thứ tư. (Ảnh: Vũ Phượng)

1 năm trôi qua, bé Vy cùng 3 anh chị em khác lớn lên trong vòng tay chăm sóc của ông bà ngoại và 2 cậu là Nguyễn Hùng Phúc (23 tuổi) và Nguyễn Phúc Thanh (19 tuổi).

Sau cơn nhồi máu cơ tim vài năm trước, ông Hùng sức khoẻ giảm sút nên chỉ tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương và thỉnh thoảng chạy xe theo chuyến cho các công ty du lịch, phần lớn thời gian đưa rước các cháu đi học. Bà Lư Tuyết Thủy (60 tuổi, vợ ông Hùng) thì nghỉ hẳn việc lao công ở nhà chăm sóc cháu gái. Toàn bộ chi phí sinh hoạt trong nhà đổ dồn lên vai Phúc.

“Từ lúc sinh thằng út xong là 18 năm trời hai vợ chồng mới lại chăm con nít. 3 tiếng một lần dậy cho bú sữa, cảm xúc như ngày xưa mình chăm con mình lại ùa về. Mới ngày nào, giờ bé đã được 14 tháng, nhìn nó giống mẹ nó y à, cứ cười cả ngày vậy, thương lắm”, ông Hùng nói.

xe-om-cong-nghe4-6057-1665287174.jpeg
Bé Vy đang bập bẹ nói, gọi Phúc (cậu ba) là "ba ba". (Ảnh: Vũ Phượng)

Chưa tổ chức đám cưới rình rang cho con gái nhưng “con dại cái mang”, 4 người cháu ông Hùng đang nuôi nấng là con của con gái ông với 3 người đàn ông khác nhau. 1 năm trôi qua, cả gia đình ông Hùng vực dậy nhờ sự chung tay của cộng đồng, sự hỗ trợ của địa phương.

Nhắc đến mẹ, bé H.N.N.P (học sinh lớp 5) lí nhí nói: “Ngày trước, thỉnh thoảng con được mẹ đưa đi chơi, được ngủ với mẹ, sau này mẹ có em thì không được đi nữa, con không có thêm kỷ niệm nào với mẹ. Lần sau cùng chỉ nhớ là con ở bên nhà nội, gọi video thấy mẹ còn đang ở nhà trọ, ngay hôm sau thì gọi mẹ không được nữa, không còn mẹ nữa… Em Vy có đôi mắt giống mẹ lắm”. Nói rồi P. chạy vào nhà tắm, rửa mặt để không ai nhận ra nước mắt vừa rơi trên gương mặt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Điều hành KP.1, P.15, Q.10 cho biết, sau đợt dịch COVID-19, gia đình ông Hùng thuộc diện hộ nghèo tại địa phương, chăm sóc 4 cháu mồ côi. Hiện ông Hùng đang bị bệnh về tim mạch, vợ ở nhà giữ cháu nên chi phí trong nhà do con trai vừa học vừa làm.

xe-om-cong-nghe6-3434-1665287174.jpeg
Gia đình ông Hùng thuộc diện hộ nghèo sau dịch COVID-19. (Ảnh: Vũ Phượng)

“Ông Hùng đang làm tổ trưởng dân phố và công tác xã hội tại phường, mỗi tháng nhận hỗ trợ hơn 1 triệu đồng. Cả nhà đông nhân khẩu nhưng hiện đang ở trong căn nhà nhỏ xíu, dù có sự giúp đỡ của mạnh thường quân để chăm các cháu nhưng chặng đường phía trước vẫn còn rất dài”, bà Thủy nhận xét.

Gánh nặng trên vai cậu

Học hết lớp 9 rồi nghỉ học đi bán trà sữa, chật vật với đủ công việc, hơn 3 năm trước, Hùng Phúc nộp đơn xin đi học lại ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.10, mong kiếm được tấm bằng cấp 3 để có cơ hội việc làm ổn định.

Ban ngày đi học, tối đến Phúc chạy xe công nghệ đều đặn từ khoảng 21 giờ đến 4 – 5 giờ sáng hôm sau. Mục tiêu của chàng trai trẻ là thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày để đủ chi phí gửi ba mẹ lo trang trải sinh hoạt, lo cho các cháu.

xe-om-cong-nghe7-8244-1665287174.jpeg
Nghĩ tới 4 cháu, Phúc vừa ráng học, vừa ráng làm. (Ảnh: Vũ Phượng)

Thời gian đầu chạy đêm, Phúc bị đuối sức, nhưng “riết thành quen”. “Lúc ở trường em sẽ làm hết bài tập, lo xong bài vở để về nhà nghỉ ngơi rồi đi chạy xe. Mỗi ngày em ngủ khoảng 3 – 5 tiếng thôi, nhưng thu nhập ổn định. Em ráng hết năm nay, có bằng cấp 3 rồi xin làm gì đó ban ngày, tối kiếm trường cao đẳng nào đó học, đêm em lại chạy xe thêm, chỉ có vậy mới đủ chi phí”, chàng trai 23 tuổi chia sẻ.

Chạy đêm, mỗi cuốc xe được cộng thêm 10.000 đồng, cuốc xe cũng nổ liên tục nên Phúc thường chạy một mạch không nghỉ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng gặp những cuốc đi xa đến Củ Chi, Bình Dương, Vũng Tàu,… Phúc phải chạy về xe không.

Để anh trai bớt gánh nặng, em Nguyễn Phúc Thanh vừa vào năm nhất đại học cũng đăng ký chạy xe công nghệ, vừa lo cho mình, vừa phụ cha mẹ.

xe-om-cong-nghe5-3195-1665287174.jpeg
Vợ chồng ông Hùng chăm sóc 4 người cháu sau sau khi con gái mất. (Ảnh: Vũ Phượng)

Thấy hai con chạy xe đêm, ông Hùng nhiều lần khuyên các con lượng sức khỏe, về sớm hơn. Khoảng 2 giờ sáng, ông lại gọi điện thoại “canh chừng”, thấy con còn nghe máy ông mới tạm an tâm, chờ con về mở cửa. “Hai thằng con trai đều có chí học vậy tôi cũng mừng, mong cho nó thành nhân, có công việc lo cho tương lai”, ông bày tỏ.

Nhắc về tương lai, chàng trai chạy xe ôm công nghệ với cặp mắt kiếng dày cộp cười gượng: “Trước mắt lo cho các cháu qua ngày đã là được, còn em tương lai tính sau”.