Ông Nguyễn Tiến Bình - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Angola (kiêm nhiệm CHDC Congo, Zambia, và CH Congo), cho biết thời gian gần đây, Đại sứ quán nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ những công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại một số nước. Những công dân này cho biết đã rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do nghe môi giới lao động (cả người Việt Nam và nước ngoài) rủ rê, lôi kéo sang CHDC Congo, Zambia, và CH Congo làm việc.
Cụ thể, nhiều trường hợp lao động nam bị lôi kéo đi làm công nhân xây dựng, lái xe, với mức lương từ 1.500-3.000 USD/tháng, khi đi chỉ tạm ứng khoảng 1.000 USD. Môi giới cũng hứa hẹn nếu không làm được hoặc muốn về Việt Nam, người lao dộng chỉ mất tiền vé máy bay. Đối với một số lao động nữ được môi giới hứa giới thiệu công việc nhẹ nhàng, lương cao (tương đương từ 30-90 triệu VNĐ), với điều kiện ăn ở tiện nghi, nhưng trên thực tế lại bị đưa tới các cơ sở karaoke trá hình hoặc casino.
Khi người lao động đến các nước trên đã bị chủ sử dụng lao động thu giữ hộ chiếu, khấu trừ tiền ăn ở, nợ lương/giảm lương, chuyển giao cho chủ khác, khấu trừ nợ lên tới 8.000 USD với danh nghĩa chi phí đưa sang nước đó. Khi người lao động muốn trở về Việt Nam thì phải nộp tiền đền bù, nếu không chủ sử dụng lao động sẽ bị báo cảnh sát sở tại bắt giữ vì cư trú trái phép hoặc bị giam giữ, nếu tự ý bỏ trốn sẽ có thể ảnh hưởng tới an toàn của bản thân. Nhiều trường hợp không có ngoại ngữ nên rất khó khăn trong việc tự liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để bảo vệ mình.
Đại sứ quán Việt Nam tại Angola khuyến cáo người lao động Việt Nam tại Angola và trong nước cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định đi lao động tại các nước châu Phi nêu trên. Cùng với khuyến cáo, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola hiện đang nỗ lực trong công tác bảo hộ công dân bị mắc kẹt tại các nước CHDC Congo, Zambia, và CH Congo.
Trong trường hợp cần hỗ trợ, người lao động tại các nước trên có thể liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Địa chỉ: số 74 đường Houari Boumediene, quận Miramar, thủ đô Luanda, Angola. Email: vnemb.angola@mofa.gov.vn; sqvnangola@gmail.com. Hoặc liên lạc trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Bình, số hotline bảo hộ công dân +244 922 668 019./.
Theo VOV