Cản trở xe cấp cứu chở bệnh nhân có thể bị xử lý hình sự

Nguyễn Diệp Linh
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, trong trường hợp hành vi gây cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân thì tài xế đối mặt với nguy cơ bị phạt tù.

Thiếu trách nhiệm với tính mạng của người bệnh

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang đang củng cố hồ sơ, xử lý tài xế V.T.P. (SN 1978, trú tại thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương) về các hành vi "Điều khiển xe ô tô không nhường đường xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ" với mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng; "Không có Giấy phép lái xe" mức phạt 10 - 12 triệu đồng.

Tài xế P. là người điều khiển xe tải BKS 22C-082.48 có hành vi không nhường đường cho xe cứu thương đưa người bệnh đi cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vào chiều 17/10.

Sự việc đã gây xôn xao dư luận khi clip quay cảnh xe tải do ông P. điều khiển không nhường đường cho xe cứu thương suốt quãng đường 3km được đăng tải lên mạng xã hội trong sáng 18/10.

Xe tải cố tình tạt đầu, không chịu nhường đường cho xe cứu thương đang chở bệnh nhân nguy kịch ở Tuyên Quang.Xe tải cố tình tạt đầu, không chịu nhường đường cho xe cứu thương đang chở bệnh nhân nguy kịch ở Tuyên Quang.

Từ vụ việc này, nhiều độc giả thắc mắc, trong trường hợp ô tô không nhường đường cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng của nạn nhân do không cấp cứu kịp thời, tài xế lái ô tô có hành vi cản trở, không nhường đường có bị xử lý hình sự?.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) cho biết, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (bao gồm xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ), người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Ở góc độ xã hội, việc cản trở xe cấp cứu thiếu trách nhiệm với tính mạng của người bệnh.

Như vậy, xe tải trong vụ việc ở Tuyên Quang nếu bị xác định cản trở xe cứu thương (xe ưu tiên) thì đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Với hành vi trên, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng, tài xế sẽ bị xử lý hành chính. Theo thông tin khả quan từ người nhà, bệnh nhân cấp cứu đã qua cơn nguy kịch.

Tuy nhiên, trong trường hợp tài xế ô tô có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ gây thiệt hại sức khỏe, hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân do không cấp cứu kịp thời thì tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017".

Không ít trường hợp chẳng những “phớt lờ” quy định, mà còn thể hiện thái độ tiêu cực khi… “ngáng đường” xe ưu tiên.

Không ít trường hợp chẳng những “phớt lờ” quy định, mà còn thể hiện thái độ tiêu cực khi… “ngáng đường” xe ưu tiên.

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên (khoản 1, điều 260)… thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hình phạt với tài xế vi phạm có thể lên tới 15 năm tù giam tùy vào mức độ phạm tội.

Cũng với hành vi tương tự, vừa qua, Đội 7, Phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT) đã lập biên bản xử phạt với tài xế D.M.T. (SN 1975, trú tại tỉnh Long An).

Cụ thể, tài xế T. lái xe tải trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng đi TP.HCM. Khi đến km13 thuộc huyện Bến Lức (Long An), do làn ngoài đang sửa chữa nên tài xế đã chạy vào làn khẩn cấp.

Lúc này, tài xế xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu đã bật còi xin được ưu tiên nhưng tài xế xe tải không nhường đường. Xe cứu thương đã vượt qua, dừng xe giải thích việc xin vượt là do đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Tài xế xe tải liền lớn tiếng chửi bới, lấy dao đe dọa tài xế xe cứu thương. Khi có nhiều người phản ứng, tài xế xe tải lên xe bỏ đi.

Sau đó, lực lượng CSGT đã xử phạt tài xế xe tải về các hành vi vi phạm điều khiển xe chạy ở làn dừng khẩn cấp của đường cao tốc và Không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ quy định với số tiền 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe trong thời gian 4 tháng.

Không nhường đường trên làn dừng khẩn cấp cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tài xế xe tải còn dọa chém tài xế xe cấp cứu đang chuyển bệnh nhân.

Không nhường đường trên làn dừng khẩn cấp cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tài xế xe tải còn dọa chém tài xế xe cấp cứu đang chuyển bệnh nhân.

"Không cản trở khẩn cấp là đã giúp sức cứu người rồi"

Anh Mai Thanh Tuấn (lái xe cấp cứu kiêm nhân viên sơ cứu của đội Hỗ trợ sơ cứu- FAS Angel) chia sẻ: Với đặc thù là hỗ trợ cứu nạn, vận chuyển nạn nhân bị tai nạn nên thường xuyên gặp ca nặng. Thời gian đi trên đường được tính bằng phút để giành giật sự sống cho nạn nhân.

Trong quá trình cấp cứu, anh Tuấn gặp không ít các trường hợp ô tô lấn làn khẩn cấp, cản trở xe cứu thương.

"Nhiều trường hợp tài xế ô tô nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, đèn nháy xin đường từ xa nhưng họ nhất quyết không rời khỏi làn khẩn cấp để nhường đường. Tôi phải mở loa to nhất, đọc rõ cả biển số xe và xin họ nhường đường. Thậm chí, nhiều lái xe vừa đi vừa sử dụng điện thoại hay bật loa nghe nhạc rất to phớt lờ tín hiệu xe ưu tiên", anh Tuấn bức xúc nói.

Khi gặp các trường hợp như vậy, anh Tuấn chỉ mong lái xe "cướp đường" phía trước chứng kiến được cảnh nạn nhân đang nằm sau xe cấp cứu thoi thóp thở ô-xy. Xe cấp cứu lẽ ra được đi nhanh nhất tới bệnh viện lại phải kiên nhẫn bò phía sau.

"Họ không thể hiểu được cảm xúc của chúng tôi khi rơi vào hoàn cảnh đó. Đã có những lúc, tôi bị người nhà nạn nhân thúc giục phải đi nhanh lên, phải lách ra để đi… nhưng đành bất lực", lái xe Tuấn kể.

Những người lái xe cấp cứu, thường mong muốn các tài xế tuân thủ luật giao thông, nhanh chóng nhường đường cho xe cấp cứu.

"Khi đèn xe cấp cứu được bật sáng, còi xe cấp cứu vang lên là lúc không chỉ tôi mà các tài xế lái xe cấp cứu khác đang giành giật sự sống cho một ai đó. Chúng tôi mong muốn người tham gia giao thông hợp tác, nhường đường nhanh nhất có thể, không lấn làn khẩn cấp là đã giúp sức cứu người rồi", anh Tuấn chia sẻ.

Theo Sức khỏe Đời sống