Hội thảo có sự tham gia của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN; tiến sĩ Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, và nhiều chuyên gia, luật sư, nhà khoa học.
Tại sao người Việt ra nước ngoài khởi nghiệp?
Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS-TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng thường trực Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng hiện chỉ số khởi nghiệp trong thanh niên VN rất ấn tượng. Theo số liệu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN, trong năm 2017, cứ 100 người trưởng thành thì có 23 người đang trong giai đoạn khởi sự kinh doanh. VN cũng có nhiều chính sách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn chồng lấn, phức tạp, rườm rà trở thành rào cản cho thanh niên khởi nghiệp.
“Hiện tượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công lại ở quốc gia khác chứ không phải ở VN. Nhiều doanh nghiệp được thành lập ở Singapore có uy tín quốc tế rồi mới về VN. Tại sao như vậy, cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, rào cản ở đâu? Do cơ chế chính sách hay thủ tục, cần tìm nút thắt gỡ rối”, bà Lan Anh trăn trở.
Cũng theo bà Lan Anh, cộng đồng khởi nghiệp chưa xác định được mô hình, còn mơ hồ, chỉ tập trung công nghệ; mô hình khởi nghiệp chưa mới mà trào lưu mang từ nước ngoài về, nên tỷ lệ thành công thấp. Bên cạnh đó, thanh niên còn thiếu kỹ năng khởi nghiệp, đặc biệt là thiếu vốn.
“Vướng mắc về vốn là quan trọng nhất. Đây là vấn đề tiên quyết vì không có vốn thì không khởi nghiệp được. Mặc dù chính sách có ưu ái nhưng thanh niên khởi nghiệp vẫn thiếu vốn và khó khăn tiếp cận vốn”, bà Lan Anh nói.
Lý giải tình trạng nhiều người phải ra nước ngoài khởi nghiệp, luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty luật Inteco, cho rằng do VN chưa có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư khởi nghiệp. “Các quỹ đầu tư chỉ thích đầu tư ở nước ngoài chứ không muốn rót vốn vào các startup ở VN vì vướng nhiều thứ. Để ra được một quyết định, có khi mất vài tháng”, ông Phong chia sẻ.
Ông Phong kiến nghị VN cần có cơ chế bảo vệ cho những nhà đầu tư thiên thần thì mới thu hút được các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp ở VN. “Vốn nhiều không thiếu, tiền không thiếu, chỉ thiếu cơ chế”, ông Phong bày tỏ.
Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng hiện việc tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp của thanh niên rất khó khăn do nhiều trở ngại về pháp lý. Thạc sĩ Phạm Văn Tuyên, Ngân hàng Ngoại thương VN, cho rằng do luật chưa vào đời sống. Ông Tuyên nói: “Mặc dù điều 18 luật Thanh niên năm 2020 quy định về tạo điều kiện ưu đãi cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm và các tổ chức tín dụng, nhưng thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết nên chưa có cơ sở để thực hiện quyền của thanh niên được vay khởi nghiệp từ các ngân hàng thương mại”.
“Qua khảo sát thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại cho thấy các ngân hàng không cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp. Tôi đã đi thử vay ở các ngân hàng thương mại nhưng nói để khởi nghiệp thì chả ai tiếp. Thậm chí, các ngân hàng không biết có chính sách cho thanh niên vay để khởi nghiệp”, ông Tuyên chia sẻ.
Cần “hạ chuẩn” vay vốn
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu về vốn cho thanh niên khởi nghiệp, trong đó cần thiết có sự đa dạng nguồn vốn huy động tại VN và dễ tiếp cận với đối tượng thanh niên.
PGS-TS Vũ Thị Lan Anh cho rằng cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế; tăng nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho thanh niên làm kinh tế thuộc đối tượng vay vốn theo quy định.
“Đặc biệt, quá trình tiếp cận giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần tích cực hơn, cần có điều kiện dễ tiếp cận đối với đối tượng thanh niên lập doanh nghiệp khởi nghiệp”, PGS-TS Vũ Thị Lan Anh nói.
Thạc sĩ Phạm Văn Tuyên cho rằng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần ban hành văn bản quy định về việc giao các ngân hàng thương mại cho vay khởi nghiệp cho thanh niên. “Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành quy định hướng dẫn để thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn sở hữu chủ và các nguồn tài chính khác một cách hợp pháp để hiện thực hóa hoạt động khởi nghiệp”, ông Tuyên đề xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng trăn trở, vốn nhà nước nhiều nhưng làm sao để thanh niên tiếp cận được. “Cần đa dạng hóa hình thức cho vay đối với khởi nghiệp. Phải thay đổi tư duy để làm thế nào chứ trên 30 tuổi muốn vay để khởi nghiệp lại bảo non nớt chưa cho vay. Phải tìm ra giải pháp tổng thể để ngân hàng muốn cho vay được cho vay”, bà Hương nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam, Công ty luật Gattaca, cho rằng cần hạ chuẩn các điều kiện cho thanh niên vay để khởi nghiệp, phải chấp nhận rủi ro. Ông Nam đề xuất cần nhân rộng mô hình hoạt động khởi nghiệp thanh niên và tư vấn hỗ trợ pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn, Hội cần xây dựng sổ tay khởi nghiệp cho thanh niên, đưa ra đầy đủ thông tin khởi nghiệp cho thanh niên.
Luật sư Hà Huy Phong cũng cho rằng cần có cơ chế đặc thù riêng cho thanh niên khởi nghiệp, không thể đánh đồng với việc cho vay khác. “Hệ số rủi ro an toàn giống nhau thì có gì là khởi nghiệp nữa. Cần hỗ trợ sâu hơn, nhanh hơn, dứt khoát quyết đoán, chấp nhận rủi ro. Đầu tư cho khởi nghiệp phải xác định tinh thần mất chứ hệ số an toàn cao thế thì sao hỗ trợ được”, ông Phong nói.