Ngày 6/4, ông Nguyễn Quang Năm - Bí thư Huyện ủy huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - cho biết đã chỉ đạo Công an huyện Lệ Thủy vào cuộc truy bắt đối tượng đâm thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, chủ nhiệm lớp 12A6 Trường THPT Trần Hưng Đạo, vì bị nhắc nhở xóa hình xăm.
Khoan bàn đến hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức của học sinh (HS) trên, ở một góc độ khác, trên thực tế, từ trước đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có quy định cụ thể nào về việc cấm hay không cấm HS phổ thông xăm mình, nhuộm tóc, sơn móng tay, đánh son, đeo khuyên mũi…?
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS-SV, Bộ GD-ĐT, thừa nhận Bộ GD-ĐT chưa có một văn bản cụ thể nào cấm HS xăm mình, nhuộm tóc, đánh son, đeo khuyên mũi, khuyên tai hình thù kỳ quái…. Tuy nhiên, ông Linh cũng nhấn mạnh trong công văn gửi các sở GD-ĐT về đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong trường học hồi tháng 1-2017, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các địa phương xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Bộ quy tắc này là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập… nhằm điều chỉnh cách thức ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo thuần phong mỹ tục, tạo môi trường làm việc, học tập thân thiện, hợp tác, trách nhiệm, cởi mở, trung thực, văn minh trong nhà trường.
Ông Linh cũng cho biết nguyên tắc xây dựng bộ quy tắc ứng xử là bảo đảm định hướng giáo dục đạo đức, lối sống và hoàn thiện nhân cách HS-SV, phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội thừa nhận, quy định của pháp luật, mục tiêu, đặc điểm của nhà trường, ngành giáo dục; bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, tính dân chủ và nhân văn.
Theo cô Hương Trần, một giáo viên chủ nhiệm lâu năm của Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), từ nhiều năm nay, trường đã đưa ra quy định HS không được nhuộm tóc, sơn móng tay, không sử dụng trang sức có hình thù kỳ quái, học sinh nam không đeo khuyên tai… vào quy chế nhà trường. Ngoài ra, từng lớp còn có quy chế riêng. "Chúng tôi cho HS thảo luận và đi đến thống nhất những gì các em được làm, không được làm rồi ra một bản quy định chung của lớp" - cô Hương Trần chia sẻ.
Không lẫn lộn phong cách đi chơi và đi học
Nói thêm về trường hợp HS Ngô Văn Công đâm thầy giáo trọng thương, cô Hương Trần cho rằng đối với những trường hợp HS vi phạm quy định của nhà trường, giáo viên cần có những ứng xử phù hợp. "Nếu trường hợp nhà trường chưa có quy định cấm HS xăm mình, nhuộm tóc ngay từ đầu năm học thì giáo viên nên khuyên bảo nhẹ nhàng, vận động HS hoặc thông qua cha mẹ HS yêu cầu các em xóa hình xăm, nhuộm tóc… HS phổ thông có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, giáo viên không nên có lời "phũ" quá với các em giữa nơi đông người" - cô Hương Trần phân tích. Trên thực tế, Ngô Văn Công vốn là một HS ngoan hiền, có thành tích học tập tốt nên được chọn làm lớp trưởng. Có lẽ kỳ vọng và yêu cầu quá nhiều vào lớp trưởng nên thầy Nguyễn Văn Tiến đã không kiềm chế được bản thân, có những lời nói và hành động khiến HS này ức chế dẫn đến không làm chủ được hành vi của mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nêu quan điểm: "Tôi hiểu HS thích thời trang, thích thể hiện cá tính. Đó là quyền của các em và mình phải tôn trọng. Tuy nhiên, đừng lẫn lộn giữa phong cách đi chơi với đi học. Chúng tôi có những quy định rất cụ thể về trang phục, tác phong HS khi đến trường. Nhà trường phải ra nhà trường, không thể thỉnh thoảng lại xuất hiện những mái tóc hoặc trang phục xanh đỏ, bắt chước một ca sĩ hay cầu thủ nào đó".
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng Bộ GD-ĐT nên đưa ra một bộ quy tắc chung quy định những gì HS được làm/không được làm, áp dụng trên toàn quốc. Dựa trên những nguyên tắc chung này, các trường vận dụng xây dựng quy chế riêng tùy thuộc vào điều kiện cũng như phong tục tập quán địa phương. "Các trường ở TP quy định HS phải đi dép quai hậu hoặc giày đi học nhưng HS vùng núi, nông thôn thì vẫn thường đi chân đất, dép lê. Tùy thuộc vào điều kiện của mình, các trường sẽ có quy định cụ thể"- TS Lâm gợi ý.
Chuyển trường sớm nhất cho học sinh phản ánh "cô giáo im lặng"
UBND TP HCM đã có cuộc họp khẩn vào sáng 6-4 về vụ cô giáo im lặng trong giờ dạy gần 4 tháng. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết qua báo cáo từ Sở GD-ĐT TP HCM, bà đã biết nguyện vọng muốn chuyển trường của gia đình em Phạm Song Toàn, HS Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè.
Bà Thu chỉ đạo Sở GD-ĐT TP HCM chuyển trường cho em Phạm Song Toàn theo nguyện vọng để tránh những áp lực cho HS này. Theo nhận định của bà Thu, sau khi em đã mạnh dạn nói lên sự thật về cô giáo Trần Thị Minh Châu (giáo viên toán Trường THPT Long Thới) suốt 4 tháng lên lớp không nói, chỉ ghi bài giảng lên bảng, em có thể bị cô lập hoặc vì trường năm nay không đạt thành tích tốt, em sẽ bị thầy cô có cách nhìn không tốt, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Bà Thu khẳng định dù khó đến đâu, ngành giáo dục cũng phải tạo điều kiện cho em Toàn chuyển trường sớm nhất.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho rằng cách xử lý của ngành giáo dục nói chung và hiệu trưởng Trường THPT Long Thới là quá chậm. Lẽ ra, khi biết em Toàn phản ánh và xác minh đúng sự thật, trường phải đình chỉ ngay việc lên lớp của cô Châu. Bà Thu lưu ý cô Châu từng bị kỷ luật nhưng lại chuyển từ nơi bị kỷ luật sang Trường THPT Long Thới nên Sở GD-ĐT lần này phải xử lý chặt chẽ không để "êm xuôi" như lần kỷ luật trước.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, khẳng định tuần sau, em Toàn sẽ được chuyển trường, đồng thời cho biết hiệu trưởng Trường THPT Long Thới và cô Trần Thị Minh Châu sẽ bị xử lý nghiêm khắc. H.Văn