Cần chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi

Nguyễn Hồng Hạnh
Các hành vi liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi, trong đó có tiết lộ giới tính thai nhi thường xuất hiện ở các cơ sở y tế tư nhân hoặc thông qua bác sĩ tiết lộ cho bệnh nhân. Đây là những hành vi bị cấm, vi phạm Pháp lệnh Dân số Việt Nam. Cần phải có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Mất cân bằng giới tính khi sinh để lại rất nhiều hệ lụy cho đời sống kinh tế, xã hội. Tại Hội thảo về chấm dứt tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp giá trị con gái, và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, Giám đốc Văn phòng Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương Bjorn Andersson cho biết: Hiện nay có khoảng 140 triệu bé gái được cho là "không được sinh ra" trên khắp thế giới do tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Đây là biểu hiện phổ biến của bất bình đẳng giới và phân biệt giới tính.

sieu-am-gioi-tinh-1671468099.jpg
Lựa chọn giới tính thai nhi hành vi bị cấm, vi phạm pháp luật. Ảnh: TL

Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112 bé trai/100 bé gái, và theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê điều tra năm 2019, đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới tuổi từ 15 - 49 và tới năm 2059, con số này lên đến 2,5 triệu người (tương ứng với 9,5% dân số).

Trên thế giới, tỷ số giới tính khi sinh cao nhất hiện nay là 114,6 tại Azerbaijan, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam cao thứ 3 châu Á, đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ số giới tính khi sinh cao là tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu trong đời sống xã hội, tâm lý sính con trai. Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu tiên.

Với sự phát triển của khoa học, mạng xã hội như hiện nay, chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa xác định giới tính thai nhi, chỉ chưa đầy 1 phút cho ra tới 49,5 triệu kết quả. Điều này cho thấy nhu cầu tìm kiếm thông tin, địa điểm, cách thức để xác định giới tính thai nhi sớm là vô cùng lớn.

Nhiều cặp vợ chồng bằng mọi cách muốn biết được giới tính thai nhi từ sớm để lựa chọn giữa lại hay loại bỏ thai. Có cầu ắt cũng có cung, những dịch vụ phát hiện giới tính thai nhi sớm nở rộ, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân như dịch vụ siêu âm. Thậm chí để "giữ khách", các bác sĩ của phòng khám tư có cách "tư vấn" cho sản phụ như là bé giống bố hay giống mẹ.

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho biết: Trong Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.

"Đây là một hình thức bạo lực giới nghiêm trọng. Rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai nhiều lần để sinh được con trai. Những người khác thì phải phá thai nhiều lần để đạt được mục đích đó. Bản thân người phụ nữ phải trải qua rất nhiều những đau khổ và dằn vặt trước khi đi đến quyết định phá thai. Nhiều người trong số họ còn gặp những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài", TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.

Bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định, mặc dù vấn đề bình đẳng giới ở Việt nam đã được cải thiện nhiều, nhưng bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái, vẫn là những vấn đề nổi cộm và đang tiếp diễn.

Lựa chọn giới tính thai nhi sẽ để lại hệ lụy cho sức khỏe người mẹ cũng như sự mất cân bằng giới tính, để lại hậu quả lâu dài cho xã hội... đây là hành vi bị cấm và vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Ðề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030... nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.

Tại Quyết định 3155/QĐ-BYT của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch thanh tra năm 2023 mới đây cho biết, năm 2023, Bộ Y tế sẽ thực hiện 41 cuộc thanh tra, trong đó Tổng Cục Dân số sẽ thanh tra về việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; Các quy định của pháp luật để đảm bảo cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, dù đã có những quy định của pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là vấn đề vô cùng nan giải. Cần phải có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, mang lại cơ hội sống cho các thai nhi là bé gái. Bên cạnh đó, cần truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ quan niệm phải sinh bằng được con trai để có người nối dõi, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.

An Nhiên