Ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện Quyết định 893/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, ngày 21/2/2023, Bộ trưởng Nội vụ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương cập nhật, đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức.
Theo yêu cầu, đến ngày 30/6 tới, phải tích hợp đồng bộ dữ liệu về Bộ Nội vụ để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó chuyển trả lại dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương để quản lý, sử dụng, tiếp tục cập nhật, làm giàu dữ liệu bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước ngày 31/12/2023. Thời gian qua, Bộ Nội vụ luôn đồng hành cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và các đơn vị kỹ thuật triển khai nhiệm vụ này.
Nêu mục đích của Hội nghị là thống nhất lộ trình, phương pháp, giải pháp kỹ thuật tích hợp dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức để có thể hoàn thành gửi dữ liệu về Bộ theo phương châm bảo đảm “đúng, đủ, sạch” chậm nhất là ngày 30/6, ông Vũ Đăng Minh cho rằng, làm sớm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, tránh dồn về một lúc khiến đường truyền nghẽn, hệ thống không xử lý được; có được dữ liệu đến đâu xử lý đến đó.
Theo ông Đỗ Ngọc Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ số quốc gia, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tổng hợp về các phần mềm quản lý cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương, sau đó kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Nội vụ quản lý. Dữ liệu được tích hợp, truyền qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia NDXP; được lưu trữ và quản trị tại trung tâm quản trị và điều hành của Bộ Nội vụ. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thực hiện theo đường truyền số liệu chuyên dùng.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho hay, với quyết tâm chính trị trong tháng 6 này phải hoàn thành toàn bộ Cơ sở dữ liệu công chức, viên chức, Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện rất chi tiết. Dữ liệu về công chức, viên chức không nhiều, nhưng quan trọng là tạo lập như thế nào, vì hơn 200 đơn vị trên cả nước, có đơn vị chỉ 2-3 công chức nhưng cũng phải triển khai như đơn vị 2.000 -3.000 công chức, viên chức, phải thống nhất từng bước một để có dữ liệu.
Việc đưa dữ liệu vào không có gì khó khăn, vì đã có dữ liệu dân cư quốc gia, căn cước công dân làm nền tảng, đã được hình thành và đang phát triển. Đã có VNeID ở mức 2, có thể tạo lập được ngay cho cán bộ, công chức. Song liên quan đến việc nuôi dữ liệu để đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, cần đồng bộ về phần mềm, đồng bộ về trục kết nối để hơn 200 đơn vị chuyển dữ liệu về trung tâm. Đây là bài toán phải thống nhất.
“Chúng tôi đã đưa ra giải pháp, những đơn vị nào đang sử dụng phần mềm thì Bộ Nội vụ đưa ra bộ chuẩn để các đơn vị điều chỉnh cho phù hợp. Những đơn vị nào chưa có thì VNPT sẽ hỗ trợ phần mềm sử dụng miễn phí, để đồng loạt triển khai”, Đại tá Vũ Văn Tấn nói.
Ông cho rằng, đơn vị chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ phải quyết tâm đưa vào một trục cho phù hợp, thuận tiện cho các đơn vị trong triển khai. Trong tháng 6, toàn bộ dữ liệu phải được xác thực.
Ông cũng nêu thực tế, qua khảo sát, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các nhiệm vụ, đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề cơ chế quản lý từ công tác lưu trữ hồ sơ giấy, hồ sơ điện tử, công tác thiết lập phần mềm tra cứu trên hệ thống, hay việc tái cấu trúc, tái sử dụng kết quả thủ tục hành chính công.
Hiện nay, trong triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, chúng ta sử dụng dữ liệu dân cư để cắt giảm thủ tục hành chính và bỏ sổ hộ khẩu, không yêu cầu các vấn đề liên quan ngoài 18 trường thông tin công dân đã được xác thực. Một cán bộ, công chức đang làm 3, thậm chí 4 việc trong một việc. Có những cán bộ, công chức phải “ngồi phục” đến 12 giờ đêm, 2 giờ sáng để đẩy dữ liệu vì đường truyền chậm. Nếu không đẩy dữ liệu kịp thời, lập tức chỉ số ISO đánh giá cán bộ, công chức giải quyết chậm, muộn. Đây là một sự thực khi Tổ công tác đi khảo sát gần 6 tháng qua.
Từ ngày 1/1/2023, khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, liên quan đến vấn đề lưu trữ, sử dụng dữ liệu điện tử và dữ liệu đã được số hóa, cán bộ, công chức vẫn khẳng định không yêu cầu người dân phải mang các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, hay xác định tình trạng nơi cư trú. Nhưng thực tế, đằng sau đó, họ vẫn yêu cầu, bắt người dân phải đem đến để lưu trữ hồ sơ giấy.
“Vì không có hướng dẫn về lưu trữ dữ liệu điện tử như thế nào, nên họ phải bảo vệ mình. Bởi vì khi giải quyết xong thủ tục thì phải có hồ sơ, nếu sai họ không biết sử dụng dữ liệu điện tử để chứng minh việc đó là đúng”, Đại tá Vũ Văn Tấn lý giải.
Từ dẫn chứng trên, ông cho rằng, việc triển khai các nội dung phải thực sự đồng bộ, trang bị cho cán bộ, công chức những công cụ để họ yên tâm thực hiện.
“Bất cứ một giai đoạn chuyển mùa nào chúng ta cũng đều có những lúc quá độ và đều vất vả. Nhưng tôi nghĩ rằng, những con người đang ngồi đây, ngoài việc quyết tâm làm được dữ liệu về công chức, viên chức, chúng ta cần phải tổ chức khảo sát ngay để đánh giá thực trạng, có những kiến nghị để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong môi trường làm việc và họ có đầy đủ những công cụ, phương tiện để thực hiện một cách tốt nhất trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, sử dụng dữ liệu điện tử”, Đại tá Vũ Văn Tấn nêu.
Cán bộ phải 'ngồi phục' ban đêm để đẩy dữ liệu về công chức, viên chức
Đặng Thu Hằng
07:41 04/03/2023
Có những cán bộ, công chức phải “ngồi phục” đến 12 giờ đêm, 2 giờ sáng để đẩy dữ liệu về công chức, viên chức. Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội nghị đánh giá việc triển khai cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 3/3.
BÀI LIÊN QUAN