Tăng cường phối hợp liên ngành
Tại Việt Nam, tình trạng trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần là một vấn đề xã hội cần đặc biệt lưu tâm. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần của trẻ.
Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội phát sinh đòi hỏi phải tăng cường chính sách chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư dựa vào cộng đồng, ngăn chặn tình trạng lao động trẻ em.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, vấn đề người mắc rối loạn sức khỏe tâm thần vẫn đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. UNICEF đã cảnh báo Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Vì vậy, cần tăng cường nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ trẻ em.
Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai công tác rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật, chính sách về trẻ em, triển khai các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong dịch Covid-19. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch.
Trong đó chú trọng triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em. Đặc biệt, Bộ LĐ,TB&XH đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo bà Nguyễn Thị Y Duyên - chuyên gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam, phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền trẻ em. Cùng với đó, cần dựa trên những nguyên tắc, kinh nghiệm, khuyến nghị quốc tế.
Các chính sách cần xem xét trên bình diện tổng thể, liên kết với các chương trình, đề án đã ban hành, mang tính chất bổ sung, giúp các chương trình đã có vận hành hiệu quả hơn. Cần tăng cường phối hợp liên ngành, đòi hỏi sự tham gia tích cực, có chất lượng của các đơn vị liên quan trong tiến trình này.
Sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe (WHO, 2001). Trong đó sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin vào năng lực bản thân. Bên cạnh đó là tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.
Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN), lưu ý việc chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội không thể tách rời với tất cả các hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung. Bảo đảm trẻ em được phát triển khỏe mạnh, đầy đủ và toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú ý nhiệm vụ phòng ngừa.
Đồng thời, cần có những chính sách xã hội đúng hướng, phù hợp với trẻ em, các cấp, các ngành làm tốt công tác sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội với trẻ em. Từ đó, đem lại những lợi ích không nhỏ của trẻ em cũng như sự ổn định và phát triển nền kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em chưa chú trọng đúng mức
Những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở học sinh, như: Stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… đang gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, thực trạng đáng lo ngại này lại chưa được chú trọng ở nhiều người, thậm chí không thừa nhận.
Việc phát hiện và điều trị không kịp thời những bệnh lý tâm thần ở trẻ đã để lại những câu chuyện đau lòng.
Theo báo cáo điều tra năm 2019, số người di cư tại Việt Nam là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Ước tính có khoảng 350 - 500 nghìn trẻ em di cư theo bố mẹ. Trẻ em di cư phải chịu nhiều thiệt thòi về y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác.
Bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, Việt Nam có 8 - 20% trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần chung.
Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vấn đề sức khỏe, tâm lý, tâm thần của trẻ em. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm 4.460 trẻ em Việt Nam rơi vào cảnh mồ cô, trong đó có 193 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Trên thế giới có 10 - 20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 40 giây, thế giới có một người tự tử (tương đương 800 nghìn ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Còn theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%, trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử xuất phát từ những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội, nhưng không được chia sẻ để giải quyết. Yếu tố bạo lực gia đình, học đường cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi tiêu cực ở trẻ.
Cũng theo bà Hằng, việc trẻ lạm dụng thiết bị điện tử, như tivi, điện thoại, máy tính cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm cảm và tự tử gia tăng. Khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử lâu ngày, khiến trẻ ngày càng thu hẹp trong thế giới của riêng mình.
Có nhiều bệnh nhi sau một thời gian dài nghiện game khi tới bệnh viện thăm khám đều trong tình trạng buồn chán, lo âu. Thậm chí, có những trẻ chia sẻ muốn tự tử chỉ vì học theo những clip trên mạng...