Sự sống từ món quà vô giá
Viết về những người hiến tạng cứu người, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), bệnh viện duy nhất khu vực miền Nam tiếp nhận hiến tạng, cấy ghép nội tạng. Tại đây, chúng tôi gặp thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Hiển cho biết, người Bình Dương đã tình nguyện hiến nội tạng cứu người khác tại bệnh viện hiện chưa có nhưng có trường hợp họ là những người tỉnh khác đến Bình Dương sinh sống, lập nghiệp. Khi người nhà họ mất, họ sẵn sàng hiến tạng để cứu sống nhiều người. Đó là một nghĩa cử đẹp để sự sống được hồi sinh từ món quà vô giá.
Lặng đi hồi lâu, ông Hiển nói: “Tôi còn nhớ như in hình ảnh cô công nhân Nguyễn Thị Sáng, 19 tuổi can đảm hiến tạng của mẹ cứu 4 người”. Liên lạc số điện thoại ông Hiển cho, trao đổi với chúng tôi, chị Sáng cho biết, hiện chị đang trở về Hà Tĩnh để thờ phụng mẹ.
Chị Sáng kể, mẹ đưa các em vào Bình Dương lập nghiệp. Đủ tuổi đi làm công nhân, chị xin vào làm tại một công ty ở TX.Tân Uyên. Năm 2017, mẹ chị (bà Nguyễn Thị Liễu, 41 tuổi) bị tai nạn giao thông đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa thì đã quá muộn. Ngồi ngoài phòng cấp cứu, chứng kiến cảnh người nhà các bệnh nhân khác đang đau khổ, chờ đợi người hiến tạng để được cứu sống, chị đã tình nguyện ký đơn hiến 2 quả thận, 1 lá gan, 1 giác mạc của mẹ để cứu 4 người.
Chị Sáng nói, trước đây dù cuộc sống nghèo khổ nhưng mẹ rất thích làm từ thiện; cuối đời mẹ mong muốn được hiến tạng cho người khác. Và giờ đây, chị đã thực hiện được tâm nguyện của mẹ.
Lật giở một số hồ sơ lưu lại tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Hiển cho biết thêm, hiện có một số người ở Bình Dương hiến thận nhưng chủ yếu là hiến cho người nhà.
Theo tên, tuổi do ông Hiển cung cấp, chúng tôi đến với gia đình anh Huỳnh Tấn Bình (TP.Thủ Dầu Một). Anh Bình đã hiến một quả thận cho em trai mình là Huỳnh Tấn Phong, bị suy thận vào năm 2017. Anh Bình cho rằng đó là trách nhiệm của một người anh dành cho người em. Biết là trách nhiệm nhưng việc hiến đi một phần thân thể của mình cho người khác cũng là một thử thách. Trước sự hy sinh của người anh trai càng làm cho tình cảm anh em trong gia đình thêm gắn kết, yêu thương. Và những người làm cha, làm mẹ như ba mẹ của anh Bình cũng rất tự hào về con của mình.
Cái chết phục vụ cho sự sống
Được biết, tại TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương), Hội Chữ thập đỏ thị xã đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Những người tình nguyện hiến xác”.
CLB được thành lập từ năm 2014 đến nay đã có 37 người đăng ký tình nguyện hiến xác cho y học. Người cùng các thành viên Hội Chữ thập đỏ TX.Bến Cát thành lập nên CLB là anh Lê Nhất Linh, hiện là Chủ nhiệm CLB.
Anh Linh tâm sự, mẹ anh trước đây làm tại bệnh viện. Anh thầm thán phục những người bác sĩ đã nỗ lực hết mình cứu sống bệnh nhân. Nhưng để họ giỏi tay nghề cần phải được thực tập nhiều, cũng từ đó anh nảy ra ý định hiến xác cho y học để sinh viên ngành y thực tập. Chính vì vậy, anh đã tình nguyện đăng ký hiến xác.
Tìm hiểu thêm về những con người có suy nghĩ đặc biệt này, chúng tôi đến căn nhà nhỏ tại phường Thới Hòa, TX.Bến Cát gặp chị Đỗ Phạm Như Mơ. Chị Mơ đăng ký tình nguyện hiến xác vào năm 2016. Ban đầu, gia đình không hiểu nên ngăn cản, nhất là các con chị. Sau biết được tâm nguyện của chị nên ai cũng vui vẻ.
Nhiều người sau khi đăng ký hiến xác đã tiếp tục cần mẫn và lặng lẽ động viên những người thân của họ cùng tham gia. Bởi họ hiểu được rằng, những điều tốt đẹp cần được nhân rộng và lan tỏa trong xã hội. Đó là trường hợp gia đình chị Huỳnh Thị Tho và anh Dương Mạnh Hùng ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát.
Chị Tho tâm sự: “Cuộc đời ngắn lắm, nên những việc muốn làm thì phải làm ngay lúc còn sống. Ước nguyện cuối cùng của đời tôi là được hiến xác cho nền y học Việt Nam, để nhắc nhở con cháu không được sống ích kỷ và phải luôn luôn vì người khác”.
Tạm chia tay những con người đặc biệt, tôi nhớ như in nụ cười và niềm tự hào của họ khi khoe ra giấy chứng nhận hiến xác tại trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Giấy chứng nhận in dòng chữ “Cái chết phục vụ cho sự sống” như nhắc nhở con người hãy sống tốt, làm những điều ý nghĩa để “sự ra đi” của mình là hạnh phúc, tự hào cho những “người ở lại”.