Cách mạng 4.0 – những bước nhảy vọt
Thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên là cơ giới hóa sản xuất từ việc sử dụng năng lượng nước và hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đến từ sự ứng dụng điện năng để sản xuất hàng hóa hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba là tự động hóa sản xuất nhờ công nghệ điện tử và thông tin. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Đó là sự kết hợp giữa các công nghệ với nhau, tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số với những yếu tố cốt lõi là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối qua mạng internet và dữ liệu lớn, giúp mang lại tốc độ phát triển chưa từng thấy trong lịch sử. Sự phát triển này, theo người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab, cuộc cách mạng 4.0 đang tiến triển với tốc độ hàm số mũ, chứ không phải là tốc độ tuyến tính thông thường. Nó sẽ mang lại sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị tại các cơ sở kinh tế.
Cuộc cách mạng 4.0 tập trung nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y, dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học, vật liệu, rô bốt thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions) và công nghệ nano...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ cho kinh tế-xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng sẽ “lấy” đi của loài người nhiều thứ. Dễ thấy nhất là nó có thể phá vỡ thị trường lao động, bởi cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến sự tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh, rô-bốt sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Xa hơn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ làm nảy sinh những bất ổn về kinh tế, dẫn tới những bất ổn về đời sống…
Ngành Giáo dục Việt Nam cần “đi tắt, đón đầu”
Rõ ràng, để chớp cơ hội và biến thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại thành cơ hội để phát triển, Việt Nam cần nhanh chóng đón đầu cuộc cách mạng này, nếu không muốn tiếp tục bị tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều đặc biệt nhất là ngành giáo dục và đào tạo cần có sự chuyển đổi, ứng phó nhanh chóng hơn để giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ những gì đang diễn ra và chuẩn bị hành động như thế nào để không bị động trước sự chuyển biến chóng mặt của thực tiễn.
Theo GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành sự thay đổi mạnh mẽ trong nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông và đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng các chương trình mới, hiện đại, phát huy được trí tuệ của học sinh. “Chính phủ đã làm nhưng có thành công hay không là ở các em. Các em phải bước vào thời kỳ 4.0 với tâm thế của những người chủ, những người tự tin, mạnh dạn tiếp thu khoa học công nghệ mới. Các em hãy tin tưởng, Chính phủ sẽ làm hết sức mình để tạo ra một cái khung mới về khoa học, giáo dục cho các em. Các em là người chủ tương lai, người thực hiện quá trình đổi mới đất nước”, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng nói như vậy với các em học sinh trong một cuộc hội thảo được tổ chức gần đây.
Tuy nhiên, để học sinh, sinh viên thực sự hiểu được điều gì đang diễn ra, có lẽ, ngành Giáo dục và Đào tạo còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ và số lượng giáo viên cấp phổ thông biết tới và hiểu rõ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất ít. Số học sinh, sinh viên biết tới và hiểu rõ về cuộc cách mạng 4.0 lại càng hiếm hoi.
Có lẽ, ngành Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng chương trình cập nhật kiến thức về cuộc cách mạng 4.0 cho toàn bộ giáo viên, giảng viên trên cả nước thông qua nhiều hình thức khác nhau, như phát hành sách, video, clip hướng dẫn; hướng dẫn giáo viên, giảng viên lồng ghép kiến thức mới này vào các bài giảng một cách phù hợp để học sinh, sinh viên tiếp cận với cuộc cách mạng mang tính lịch sử này.
Chậm trễ, học sinh, sinh viên Việt Nam sẽ lỡ nhiều cơ hội
Tác động trước mắt của cuộc cách mạng 4.0 là sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng nêu rõ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên là điều sẽ chắc chắn xảy ra nếu người lao động buông xuôi mặc cho số phận. “Nếu chúng ta chấp nhận làm thuê bằng sức lao động chắc chắn chúng ta sẽ thất nghiệp”, ông nói.
Để tránh rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của thất nghiệp, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng gợi ý với thế hệ trẻ Việt Nam là cần phải lao động bằng trí tuệ. “Trong thời đại công nghệ 4.0 sẽ có vô số ngành mới mở ra. Các em sẽ có việc làm mới bằng công nghệ mới mà các em tiếp thu được. Các em không chỉ làm việc trong nước, các em còn đi nước ngoài lao động mà không phải làm chân tay mà làm việc bằng khả năng, kỹ năng có được. Thế hệ của các em phải học tập giỏi, học công nghệ mới, không chỉ phục vụ cho nước mình mà còn đi nước ngoài triển khai công nghệ mới”, GS.TS.Nguyễn Lân Dũng nói về cơ hội mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại cho con người nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.
GS.TS.Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, sẽ có rất nhiều con đường dẫn tới thành công cho thế hệ trẻ Việt Nam, nếu họ có ngoại ngữ, tiếp cận công nghệ mới và không ngừng vươn lên. Một người muốn thích nghi và thành công trong thời đại 4.0 thì phải đặt ra được mục tiêu của cuộc đời để phấn đấu. Khi đã có mục tiêu thì cần cụ thể hóa bằng kế hoạch thực hiện mục tiêu. Phải lập được kế hoạch cả đời, kế hoạch theo năm, theo ngày để làm sao đạt được mục tiêu đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không phải là “thì tương lai”, mà nó đang bắt đầu ở một số nền kinh tế tiên tiến, phát triển trên thế giới. Tự động hóa cũng đang rất được coi trọng ở Việt Nam. Do vậy, nếu không khẩn trương vào cuộc, nhất là ngành Giáo dục và Đào tạo nếu vẫn thờ ơ với thời cuộc, thì nguy cơ tụt hậu của Việt Nam sẽ là khó tránh khỏi.